Ngày 21/5, TAND Cấp cao tại TP HCM bác kháng cáo xin đổi tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt của Đinh Ngọc Hệ (50 tuổi, tức Út "Trọc", nguyên Phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm áp dụng về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Tòa tổng hợp bản án này với bản án 30 năm tù ông Hệ bị Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng tuyên trước đó, buộc bị cáo phải chấp hành chung là chung thân.
HĐXX cho rằng, phiên tòa này nhiều luật sư, người liên quan vắng mặt nhưng không làm ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Hồ sơ vụ án có đủ căn cứ xác định bị cáo Hệ đã lập khống các hồ sơ của Công ty Yên Khánh để tham gia đấu thầu, chiếm đoạt quyền thu phí Cao tốc TP HCM – Trung Lương. Sau khi giành được quyền thu phí, bị cáo chỉ đạo cấp dưới dùng thủ đoạn gian dối thay đổi phần mềm để chiếm đoạt 725 tỷ đồng tiền thu phí. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Hệ đã yêu cầu cấp dưới tiêu hủy tài liệu.
"Dù bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi lừa đảo và cho rằng mình không biết việc cấp dưới làm giả hồ sơ, điều chỉnh số tiền thu phí, nhưng HĐXX nhận thấy, bị cáo có động cơ chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu nên đã nhờ ông Đinh La Thăng tác động cho công ty của mình tham gia đấu giá quyền thu phí", tòa nhận định.
HĐXX cũng cho rằng, cao tốc TP HCM – Trung Lương vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nên số tiền 725 tỷ đồng phải nộp về Bộ Giao thông Vận tải. Do đó, không có cơ sở xác định bị cáo Hệ phạm tội Trốn thuế. Ngoài ra, Hệ còn tác động lên lãnh đạo Công ty Licogi 13 để được mua căn biệt thự với giá rẻ, sau đó sang tên cho vợ hưởng lợi 3,4 tỷ đồng.
Tòa cũng bác yêu cầu của Hệ về việc buộc những người đứng tên cổ phần của bị cáo trong các công ty phải trả lại, vì không có căn cứ.
Trong vụ án này, Vũ Thị Hoan (36 tuổi, Giám đốc Công ty Yên Khánh, cháu ruột Hệ) và hàng loạt cấp dưới đã giúp sức tích cực cho bị cáo Hệ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa sơ thẩm đã xem xét đánh giá vai trò của từng bị cáo để tuyên phạt mức án dưới khung hình phạt. Tại phiên phúc thẩm các bị cáo không đưa ra được các tình tiết mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Theo đó, tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm đối với các bị cáo và người liên quan khác.
Bản án sơ thẩm xác định, Đinh Ngọc Hệ thành lập 5 công ty, nhờ người khác đứng tên cổ phần, trong đó có Vũ Thị Hoan.
Hệ chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ báo cáo tài chính, lợi dụng mối quan hệ với Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng để tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Quá trình diễn ra đấu giá, bị cáo chỉ cho một công ty tham gia để chắc chắn mua được quyền thu phí.
Khi thu phí, Hệ chỉ đạo Công ty Yên Khánh sử dụng phần mềm Xuân Phi thay thế phần mềm thu phí của Bộ GTVT trước đó để che giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng.
Ngoài mức án chung thân về 2 tội danh, tòa buộc ông Hệ bồi thường gần 730 tỷ đồng cho Nhà nước. Vũ Thị Hoan bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Hệ kháng cáo yêu cầu TAND Cấp cao tuyên những người đứng tên cổ phần của mình trong các công ty (như toà sơ thẩm đã xác định) phải trả lại để bị cáo xử lý tài sản, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, ông Hệ cũng xin giảm nhẹ hình phạt, thay đổi tội danh, cho rằng mình chỉ phạm tội Trốn thuế chứ không phải Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ án có 16 bị cáo chấp nhận bản án chung thân, trong đó ông Đinh La Thăng (bị tuyên phạt 10 năm tù); cựu Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù).
Ông Thăng đang mang bản án 30 năm tù, bị buộc bồi thường 830 tỷ đồng ở 4 bản án đã tuyên.
Hải Duyên