Sữa chua là thực phẩm quen thuộc có trong tủ lạnh của nhiều gia đình, là món khoái khẩu của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ. Người dùng vẫn truyền tai nhau đây là một thực phẩm lành mạnh nhưng không phải ai cũng biết hết những giá trị dinh dưỡng trong một hộp sữa chua.
Các thành phần dinh dưỡng trong sữa chua
Men vi sinh tốt cho tiêu hóa: Sữa chua chứa hàng triệu men vi sinh hỗ trợ hệ tiêu hóa và giúp hấp thu hiệu quả các chất dinh dưỡng. "Đơn cử chủng men Bulgaricus là loại men vi sinh điển hình có trong sữa chua, được thử nghiệm lâm sàng, chứng minh tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.
Chủng men này cùng với các thành phần dinh dưỡng được lên men giúp sữa chua dễ tiêu hóa, giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, chống lại bệnh táo bón, tăng khả năng tiêu hóa lactose và tăng khả năng tổng hợp vitamin, tăng cường sức khỏe đường ruột. 70% hệ miễn dịch biểu mô tập trung ở đường ruột nên khi sức khỏe đường ruột được tăng cường cũng góp phần đáng kể tăng cường hệ miễn dịch toàn cơ thể.
Đạm trong sữa chua có chất lượng cao: Hội đồng Sáng kiến về Sữa chua trong dinh dưỡng (YINI) (gồm các nhà khoa học về thực phẩm, dinh dưỡng con người, các giáo sư về tiêu hóa nhi khoa đến từ nhiều quốc gia) cho biết, là một sản phẩm từ sữa, sữa chua cũng có lượng đạm cao và chất lượng như sữa. Đạm trong sữa chua chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu với tỷ lệ cần thiết cho quá trình tổng hợp protein, dễ tiêu hóa hơn đạm trong sữa tiêu chuẩn, do quá trình lên men đã phá vỡ cấu trúc thành các đơn vị nhỏ hơn. Đạm trong sữa chua cũng hỗ trợ hấp thu các khoáng chất như canxi và phốt pho, hỗ trợ giảm huyết áp.
Các chuyên gia gợi ý, sữa chua giàu protein được xem là món ăn lành mạnh giúp cải thiện khả năng kiểm soát sự thèm ăn và cảm giác no, đồng thời giảm năng lượng nạp vào cơ thể.
Sữa chua có nhiều loại axit béo: Tùy thuộc vào loại sữa làm ra sữa chua (sữa nguyên kem, sữa ít béo, sữa không béo) mà lượng chất béo trong sữa chua có sự thay đổi. Phần lớn chất béo trong sữa chua đều là chất béo bão hòa (70%), cung cấp nhiều loại axit béo khác nhau. Lượng chất béo này sẽ góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp vận chuyển những vitamin tan trong dầu mỡ, giúp cấu tạo màng tế bào, hỗ trợ sự phát triển của trí não, xương, thị giác, hệ miễn dịch...
Các vitamin và khoáng chất: Tùy vào loại sữa chua khác nhau sẽ có thành phần vitamin và khoáng chất khác nhau nhưng nhìn chung sữa chua là nguồn dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất. Sữa chua chứa hàm lượng lớn vitamin B các loại (B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12), phốt pho, kali, magiê, kẽm và nhất là canxi... Theo tài liệu của YINI, trong 100 gram sữa chua, lượng canxi có thể đáp ứng khoảng 20% nhu cầu hàng ngày của mỗi người, lượng phốt pho có thể đáp ứng khoảng 16% nhu cầu hàng ngày của phụ nữ và người trưởng thành, hơn 20% nhu cầu của trẻ em, các vitamin B đáp ứng khoảng 6 đến 24% nhu cầu của một người mỗi ngày.
Sữa chua có lượng calo thấp: Thực phẩm có lượng calo thấp giúp người sử dụng giảm nguy cơ thừa cân béo phì.
Đường trong sữa chua dễ dung nạp: Đường trong sữa chua được lên men, một phần được chuyển hóa thành axit lactic làm nên vị chua của sản phẩm, phù hợp với những người kém dung nạp đường lactose trong sữa tươi.
Sử dụng sữa chua mỗi ngày để tăng cường sức khỏe
Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn sữa chua trong vòng 1 - 2 giờ sau bữa ăn. Khi đó, dịch vị dạ dày ổn định và men vi sinh có trong sữa chua sẽ giúp lợi khuẩn phát triển tối đa, gia tăng hiệu quả hỗ trợ đường ruột của sữa chua.
Một hộp sữa chua 100 gram tuy nhỏ bé nhưng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về xương, bệnh tiêu hóa, tiểu đường, huyết áp... Vì vậy, nhiều cơ quan quản lý dinh dưỡng quốc tế và trong nước, bao gồm Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam khuyến cáo mỗi người từ 3 tuổi trở lên nên ăn mỗi ngày khoảng 100 - 200 gram (1-2 hộp) để chăm sóc tiêu hóa và nâng cao sức khỏe toàn diện.
Kim Anh