Phó giáo sư, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết: Người bệnh Covid-19 hay người mắc các bệnh nhiễm trùng nói chung, có nhiều nghiên cứu và bằng chứng khẳng định dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến miễn dịch.
"Các nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng kém, ăn uống không đầy đủ sẽ dẫn đến hệ miễn dịch yếu hơn, điều này sẽ làm tăng gánh nặng thời gian điều trị", bác sĩ Niên chia sẻ.
Theo bác sĩ Niên, một bệnh nhân Covid-19 nặng nằm ICU thì nhu cầu năng lượng cao hơn 20-30% so với người bình thường.Ví dụ người bình thường cần 0,8-1g đạm/kg, người bệnh nặng cần từ 1,3 g/kg.
Ở bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng theo dõi tại nhà, người có bệnh lý nền, nếu chế độ dinh dưỡng trước đây đã cân đối phù hợp thì nên cố gắng duy trì. Trung bình tổng năng lượng cần khoảng 1.800-2.000 calo một ngày. Ăn đa dạng đầy đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Trong thời điểm dịch có những khó khăn về lượng rau củ quả, tuy nhiên nên cố gắng trong mức có thể để bổ sung, vì các vi chất từ rau củ quả giúp hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động.
Người bệnh cần uống đủ nước để bù nước mất do sốt, tiêu chảy. Người có chế độ ăn chưa đảm bảo, nên bổ sung bữa phụ lành mạnh, đa dạng thực phẩm, không ăn bánh ngọt, thức ăn nhanh...
Nhiễm bệnh kéo theo các triệu chứng bệnh như mất vị giác, mệt mỏi sẽ khiến người bệnh ăn không ngon, nhạt miệng. Người lớn tuổi, người có bệnh lý nền kể cả chưa mắc bệnh cũng stress, lo lắng, tác động xấu đến tế bào miễn dịch, bạch cầu dẫn đến đáp ứng chống nhiễm trùng kém.
"Do đó người bệnh cần giữ vững tâm lý và xem ăn uống dinh dưỡng như một phần trong điều trị để cố gắng nạp đủ năng lượng và dinh dưỡng", bác sĩ Niên khuyên.
Theo bác sĩ Niên, nhóm người béo phì thường có diễn tiến nặng hơn khi nhiễm bệnh. Họ có thể đã có tổn thương phổi, hoặc có một số bệnh nền khác do bệnh lý béo phì gây ra. Do đó khi chưa nhiễm bệnh, một người có chỉ số BMI vượt quá 23 thì nên thay đổi lối sống, sinh hoạt để đưa cân nặng về mức ổn định.
Hiện nhiều người bổ sung vitamin khoáng chất từ viên uống để tăng đề kháng, phòng bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Niên, đại dịch diễn ra chưa đủ dài để có nghiên cứu, bằng chứng ủng hộ hoặc bác bỏ việc sử dụng vitamin khoáng chất.
Vitamin C, D, một số chất trong thực vật giúp hệ miễn dịch hoạt động ổn định, song tác động của nó đến người bệnh Covid-19 chưa được nghiên cứu rõ ràng. Một số bằng chứng chưa đầy đủ cho rằng chúng không có tác dụng với người bệnh Covid-19. Do đó, để nâng cao chất đề kháng, nên bổ sung dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm. Bổ sung vi chất không đúng liều lượng, bổ sung quá nhiều, sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng sẽ tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc về lâu về dài.
Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện tim Tâm Đức, cho biết: Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), người có bệnh lý nền khi mắc Covid-19 tăng nguy cơ nhập viện do trở nặng gấp 6 lần, tăng nguy cơ tử vong gấp 12 lần so với người bình thường. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đó bao gồm tình trạng kiểm soát bệnh tật, tình trạng miễn dịch và dinh dưỡng.
"Do đó tăng cường chế độ dinh dưỡng để tăng đề kháng và tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch với người đang có bệnh lý nền chưa nhiễm bệnh là vô cùng quan trọng", bác sĩ Đào nhấn mạnh.
Bác sĩ Niên lưu ý với người có bệnh lý nền tiểu đường, thận... cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ giảm muối, đường, lựa chọn các thực phẩm ít làm tăng đường huyết.
Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 sau điều trị lâu ngày tại bệnh viện cũng sẽ dễ bị teo cơ, nguyên nhân có thể lâu ngày không vận động hoặc chế độ ăn không đảm bảo. Do đó khi về nhà, cần chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để bù đắp thiếu hụt trong giai đoạn nằm viện để hồi phục sức khỏe và tái tạo lại các khối cơ.