Trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy, 13-14/12, khán giả ở TP HCM có dịp thưởng ngoạn sự kiện nghệ thuật lần đầu tiên diễn ra: trình diễn hình ảnh và âm nhạc trên tòa Dinh Độc Lập quận 1.
Ngày 13/12, chương trình kéo dài từ 19h30 đến 22h30, mỗi lần trình chiếu khoảng nửa giờ đồng hồ, được lặp lại 6 lần. Sang ngày 14/12, chương trình khởi động từ 19h đến 22h30, được lặp lại 7 lần.
Để diện mạo mặt tiền Dinh Độc Lập trở nên biến ảo, các kỹ sư và nghệ sĩ hình ảnh đến từ Pháp ứng dụng kỹ thuật mapping digital dựa trên hệ thống máy móc hiện đại về trình chiếu hình ảnh (dàn kỹ thuật 6 máy chiếu video cùng rất nhiều thiết bị kỹ thuật cao...). Các ứng dụng công nghệ này tạo ra hiệu ứng thị giác với độ trung thực, kèm kỹ xảo biến hình làm toàn bộ nền kiến trúc Dinh Độc Lập trông như nhảy múa với ánh sáng phủ khắp, lung linh.
Các hiệu ứng ánh sáng này không phải được trình diễn một cách ngẫu hứng mà theo kịch bản mang nhiều sắc thái cảm xúc. Nội dung màn trình diễn đưa khán giả vào một câu chuyện kể vừa đậm chất sử thi vừa hào hùng, lãng mạn về một Việt Nam giàu bản sắc truyền thống và ngày càng phát triển. Mở đầu chương trình, người xem sẽ bắt gặp hình ảnh rồng thiêng, hoa sen... biểu trưng của dân tộc Việt Nam. Và lần lượt, hình ảnh về những rặng tre, đồng lúa, thảm thực vật đa dạng... hiện lên, khắc họa Việt Nam xinh tươi, năng động.
Hình ảnh đồ họa trên kiến trúc của Dinh Độc Lập gắn với sáng tạo âm nhạc đồng bộ. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Orel phụ trách. Orel là nhạc sĩ trẻ tài năng của Pháp, đang sinh sống tại Barcelona, Tây Ban Nha. Dựa trên phần nhạc đặc trưng này, ca sĩ - nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý thể hiện chất giọng trong trẻo trên những ca khúc do chính cô viết lời. Màn trình diễn âm nhạc của nhạc sĩ Orel và Lê Cát Trọng Lý diễn ra trên ban công trung tâm của tòa nhà, giữa khung cảnh ngập tràn hình ảnh và ánh sáng.
Mục đích của chương trình này nhằm tôn vinh một trong những di sản kiến trúc xưa và nay của TP HCM, mang đến cơ hội thưởng lãm nghệ thuật mới cho người dân thành phố.
Chương trình do các kỹ sư và nghệ sĩ hình ảnh của nhóm Spectaculaires, Allumeurs d'imagines của Pháp thực hiện. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á mà nhóm thực hiện hoạt động nghệ thuật này.
Ngoài ra, vào 15h thứ sáu, ngày 13/12, nhà bảo tàng học Christine Hemmet và nhà thiết kế Patrick Hoarau có buổi giới thiệu hệ thống chỉ dẫn thông tin mới của Dinh Độc Lập dành cho khách tham quan.
Dinh Độc Lập được xây dựng vào năm 1962 trên nền của Dinh Norodom cũ và được khánh thành vào năm 1966. Với hơn 900.000 khách tham quan vào năm 2011, dinh thự này đến nay là công trình được tham quan nhiều nhất TP HCM.
Đầu năm 2012, TP HCM đã mời các chuyên gia Pháp thiết kế lại phần trưng bày bảo tàng và hệ thống thông tin về dinh thự. Nhiều tấm bảng thông tin viết bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp cùng nhiều hình ảnh tư liệu được trưng bày trong các phòng phục vụ du khách, điều mà trước kia vẫn còn thiếu. Một hệ thống biển báo chỉ dẫn mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và hướng dẫn công chúng tham quan địa điểm này. Một căn nhà được xây dựng từ khoảng năm 1930 trong khu vườn Dinh Độc Lập được sử dụng cho mục đích triển lãm đương đại sau khi cải tạo.
Hai sự kiện nói trên nằm trong số nhiều hoạt động được tổ chức nhân dịp bế mạc năm Pháp tại Việt Nam.
Thất Sơn