Với loạt tranh sơn dầu có tên chung "Bùi Giáng trong mỗi sát na", nét vẽ của Đinh Cường mang đến cho người xem một "thi sĩ điên" vừa lạ lẫm, vừa rất đỗi thân quen.
"Bùi Giáng trong mỗi sát na", tranh Đinh Cường. |
Họa sĩ không chỉ khắc họa nét khắc khổ, phong trần của Bùi Giáng, mà sự hồn nhiên, ngây thơ của ông trước cuộc đời cũng được thể hiện tài tình. Ngoài các bức chân dung này, có một bức tranh màu nước do Đinh Cường vẽ năm 1972 được chính Bùi Giáng viết tặng vào hai câu thơ: "Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn / Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau".
Đinh Cường cũng giới thiệu nhiều tranh chân dung, phong cảnh... mang đậm hồn sắc quê hương, đúng với phong cách giản dị của ông.
Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939. Ông là gương mặt quen thuộc trong nhóm Hội họa sĩ Việt Nam vào thập niên 60 - 70 ở miền Nam. Không sinh trưởng ở Huế, nhưng do dạy đại học cũng như làm việc ở cố đô nhiều năm, Đinh Cường được người dân nơi đây xem một họa sĩ tài năng của vùng đất này.
Năm 1989, ông sang Mỹ định cư. Trong hầu hết sáng tác của Đinh Cường là hình ảnh quê hương với dòng sông, tảng đá, người thiếu nữ, bạn hữu... Tất cả được phác họa đậm đà, sắc nét.
Về nước triển lãm lần này, Đinh Cường chia sẻ: "Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn. Có những lúc gần như tuyệt vọng, nhưng tôi vẫn tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm để thấy mình được cứu rỗi".
Từ trái sang: họa sĩ Đinh Cường, Phạm Văn Hạng, Hoàng Trọng Bân, Thân Trọng Minh. Ảnh: S.H. |
Lần triển lãm này, Đinh Cường có ba người bạn đồng hành: họa sĩ Thân Trọng Minh, Hoàng Trọng Bân và điêu khắc gia Phạm Văn Hạng.
Thân Trọng Minh sinh năm 1943 tại Huế, vốn là bác sĩ nhưng lại mê viết văn, viết kịch với bút hiệu Lữ Kiều từ 1958. Từ những năm 80, Thân Trọng Minh chuyển sang cầm cọ. Trái với vẻ nho nhã, khoan thai trong sinh hoạt hàng ngày, màu sắc trong tranh ông luôn mạnh mẽ, đối chọi dữ dội, thể hiện chất suy nghiệm và triết lý cao. Ông góp vào triển lãm 20 bức sơn dầu.
"Tôi vẽ ở tuổi 40, như một cách tự điều chỉnh mình trước cuộc sống. Giờ đây tôi nghiệm ra hội họa đem lại bao nhiêu điều tốt lành, cho mình, cho người. Chỉ làm cho người xem vui mắt thôi, cũng là một hạnh phúc", Thân Trọng Minh nói.
Hoàng Trọng Bân sinh năm 1942 ở Đà Nẵng. Ông dự triển lãm với 7 bức sơn dầu mang phong cách ấn tượng - biểu hiện, nhẹ nhàng và lãng mạn, phảng phất trào lưu văn nghệ thời tiền chiến.
"Con đường nghệ thuật là con đường không có điểm dừng. Đôi khi ta ngỡ đã sắp đến đích nhưng đích đến lại càng xa hơn. Hy vọng và thất vọng, phấn khích và chán nản cứ đan xen vào nhau trên suốt hành trình đi tìm cái đẹp. Nhưng dù sao, nó cũng làm cho tâm hồn và cuộc sống thăng hoa hơn", Hoàng Trọng Bân bày tỏ.
Tham gia triển lãm với 5 bức tượng, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cho biết, với ông, "sáng tạo là cuộc chơi đầy ý thức trong sự học vô cùng". Sinh năm 1942 tại Đà Nẵng, nhà điêu khắc này từng nổi tiếng với tác phẩm Chứng tích, bức tranh có gắn thịt xương người, trưng bày ở Sài Gòn năm 1970, lên án tội ác chiến tranh. Các tác phẩm Phạm Văn Hạng trưng bày lần này mang đậm thông điệp về hòa bình của thế giới.
Triển lãm chủ đề "Bốn người bạn" khai mạc sáng 14/8 tại phòng tranh số 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM, kéo dài đến ngày 28/8.
Ảnh |
* Bùi Giáng qua nét cọ Đinh Cường |
* Chất suy niệm trong triển lãm 'Bốn người bạn' |
Thất Sơn