![]() |
Nỗi ám ảnh về giới của mình đã theo anh gần 40 năm. Ảnh: Pro.corbis.com. |
Trên thế giới, khoảng 5% dân số bị trục trặc về giới tính, trong đó có những người bị bất thường ở cơ quan sinh dục. Có thể họ bị khiếm khuyết, rối loạn về nhiễm sắc thể, hoóc môn sinh dục... nên bộ phận ấy không giống bình thường hoặc "nửa nạc nửa mỡ". Và sự trớ trêu của tạo hoá có thể dẫn đến những bi kịch của cả đời người.
Như trường hợp của Phong, khi lớn lên, đi học, cậu vẫn mặc đồ con trai, chơi những trò chơi dành cho con trai. Tuy nhiên, bạn bè chưa bao giờ thấy cậu đi tiểu chung. Cậu đã phải tập quen "giải quyết nhu cầu" ở nhà, bí quá thì đành nhịn cho tới khi tan học.
Đến tuổi trưởng thành, trong mắt các cô gái, Phong là một anh chàng đẹp trai, hơi có vẻ công tử. Các cô thi nhau tấn công, nhưng anh từ chối tất cả, từ lịch sự, tế nhị đến thô lỗ, sỗ sàng. Không ai biết khi đêm về, nước mắt chàng trai lặng lẽ rơi.
Học xong, ra trường, anh ở lại TP HCM và làm việc trong một công ty nước ngoài. Trong mắt mọi người, Phong là một trưởng phòng giỏi nhưng cô độc và rất khó gần.
Một lần, trong chuyến công tác, vì vội vã, Phong không để ý và một đồng nghiệp nam đã sững sờ khi thấy anh ngồi tiểu như phụ nữ. Phong phải năn nỉ anh ta giấu kín bí mật của mình. Sau đó, dù người ấy đã giữ lời hứa nhưng lúc nào anh cũng có cảm giác mọi người đang nhìn và cười cợt mình. Phong bỏ việc ở tuổi 32.
39 tuổi, hằng ngày Phong lao vào dịch bài để gửi các toà soạn. Đây là công việc mà anh đã làm 7 năm nay. Cũng từng ấy năm, Phong ẩn mình như một tu sĩ. Anh ít đến chỗ đông người. Mọi quan hệ giao du với bạn bè, đồng nghiệp trước hầu như chấm dứt.
Cách đây hơn một năm, Phong liên tục ra Bắc vào Nam để tìm nơi giải toả nỗi ám ảnh khủng khiếp của đời mình. Tại một bệnh viện chuyên khoa, qua kiểm tra, các bác sĩ thấy bộ phận sinh dục của Phong có âm đạo, tử cung và âm vật. Còn xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính cho kết quả Phong là nữ.
Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng anh vẫn không khỏi choáng váng khi nghe bác sĩ thông báo. Thế nhưng, anh không muốn trở về đúng với giới tính của mình mà muốn được chỉnh sửa cho giống đàn ông. Lý do Phong đưa ra là mấy chục năm nay, anh (lẽ ra là chị) đã mặc đồ đàn ông, để tóc đàn ông, sống cuộc sống của đàn ông. Mong muốn lớn nhất của Phong là khi anh qua đời, nếu mọi người có nhìn thấy thân thể của anh khi tẩm liệm, họ sẽ không thấy sự bất thường và vẫn nghĩ anh là một người đàn ông.
Các bác sĩ đã xử lý đưa lỗ tiểu lên trên âm vật và tái tạo một dương vật nhỏ. Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng đã trả lại cho anh sự thanh thản suốt phần đời còn lại.
Lần đầu tiên nhìn thấy "cái ấy", mặc dù nó nhỏ và ngắn, Phong đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Mới đây, anh đã đến gặp bác sĩ để khám lại lần cuối. Phong khoe, từ sau cuộc phẫu thuật, anh đã có thể tự tin đến chỗ đông người, dù không thường xuyên. Hiện anh đăng ký tham gia một câu lạc bộ chơi tem. "Cảm giác lạ lắm, như mình được sinh ra một lần nữa vậy", anh thổ lộ với các bác sĩ.
Khi thấy cơ thể mình không giống ai, một số người thường che giấu bằng cách cố gắng ăn mặc bình thường theo cái giới "đã định trên giấy tờ". Họ cũng hạn chế giao lưu, có thể chuyển nơi sinh sống và không lập gia đình như trường hợp của Phong. Những người ôm nỗi ám ảnh "khác người" và sống ẩn dật đó thường có trình độ học vấn cao, công việc ổn định và gia đình khá nề nếp.
Ngược lại, những người gặp bất hạnh cả về thể xác lẫn cuộc sống đời thường lại có xu hướng tung hê cho thiên hạ biết. Tuy vậy, không phải họ không biết đắng cay, khóc cười với số phận của mình.
"Chị Sáu" làm nghề buôn bán vải ở một chợ tại quận Tân Bình, TP HCM, tâm sự về nỗi đau của mình bằng giọng trầm buồn, ồ ề của đàn ông. Năm nay 35 tuổi nhưng chị phát hiện mình không phải là đàn ông thật sự từ năm 7- 8 tuổi.
Khi đi học, dù được đặt tên là Đặng Văn Trường nhưng "chị" luôn được ưu tiên tham gia múa hát với các bạn nữ vì vóc dáng ẻo lả. Thế rồi biệt danh "Trường bóng lại cái" xuất hiện khi tình cờ lũ bạn nam nghịch ngợm đè Trường ra "khám điền thổ". Chúng ồ lên kinh ngạc khi thấy phần dưới của bạn khác với mình. Nơi đó vừa giống nam, vừa giống nữ. Về nhà, Trường thắc mắc hỏi cha mẹ thì bị mắng luôn: "Thắc mắc cái khỉ gió gì? Số mày là vậy đó. Thằng nào muốn dòm thì cho nó đui mắt luôn".
Những lời ấy đã đóng vào đầu Trường suy nghĩ: "Số mình là vậy". "Chị" trở thành trò đùa của chúng bạn cho đến khi nghỉ học, ra chợ buôn bán hoa quả. Một thời gian dài sau đó, nhờ chăm chỉ làm ăn, tích lũy được ít vốn, Trường buôn bán vải góp. Sau đó, "chị" sang hẳn một sạp vải ngoài chợ.
Chuyện làm ăn ngày càng khấm khá, Trường lúc này đã chuyển thành một "chị Sáu" mặt hoa da phấn, lông mày sắc lẻm. Mọi người ở chợ cũng quen với một hình ảnh khác lạ với số đông, nhưng "chị"vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm riêng. Chị muốn được phẫu thuật trở thành nữ hoàn toàn, cũng có số đo ba vòng như các em. "Bây giờ mặc đồ đẹp phải độn một cục trong áo ngực. Giả hoài như vậy chán lắm", chị nói.
Trường cho biết, tiền "cúng" cho các cơ sở thẩm mỹ để đốt râu lên đến cả trăm triệu đồng. "Thà chịu tốn một chút, chứ để bình thường, râu ria lởm chởm, xanh lè xanh lét, son phấn phủ lên nhìn kỳ lắm", chị phân trần.
Điều "chị" buồn nhất là chuyện tình cảm. Thoát ly gia đình từ nhỏ, lăn lộn ngoài chợ lúc 12 tuổi, đôi khi "chị" cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng. "Chị" cần được yêu. Cũng có vài người đàn ông đến với chị, nói thương chị, nhưng mà no cơm ấm cật được một thời gian, họ ôm mớ tiền rồi biến.
Gian nan tìm lại giới tính
Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bình Dân, TP HCM hoặc khoa Tiết niệu ở một số bệnh viện đều có thực hiện chỉnh sửa những bất thường ở cơ quan sinh dục cho bệnh nhân. Thế nhưng, không phải ai cũng vượt qua được rào cản tâm lý hoặc có đủ điều kiện kinh tế để giải quyết vấn đề của mình.
Nguyệt, một phụ nữ ở miền Bắc, đã đơn thân độc mã làm cuộc "Nam tiến" đến bệnh viện Bình Dân, TP HCM để tìm câu trả lời cho giới tính của mình. Nguyệt có tử cung, buồng trứng bình thường, xét nghiệm nhiễm sắc thể hoàn toàn là nữ, nhưng âm vật thì lại đại giống "cái ấy" của nam giới, hai môi lớn nhìn như hai túi bìu.
Cô kể: "Nhiều lần, định tự tử vì sự bất thường của cơ thể. Khủng hoảng đến mức nằm ngủ, mình cũng mơ thấy tự tay cắt bỏ phần dưới...". Ở tuổi 30 nhưng Nguyệt đã vài lần dang dở. Lần đầu, người chồng sắp cưới sốc và quyết định huỷ hôn khi cô thật thà kể tình cảnh của mình. Lần yêu sau, cô lại chủ động chia tay người tình vì sợ phải giải thích.
Sau khi được bác sĩ tại bệnh viện Bình Dân khám và định ngày phẫu thuật, Nguyệt đột nhiên biến mất. Nửa năm sau, cô lại xuất hiện.
Theo lời Nguyệt, sau khi bác sĩ thông báo chi phí phẫu thuật, cô đã rời khỏi bệnh viện như người mất hồn. Hơn một triệu đồng mang theo đã hết veo vì tiền tàu xe, ăn uống, khám bệnh. Cô ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, leo lên một chiếc xe buýt mà không biết mình sẽ đi về đâu.
Chuyến xe đó đã đưa cô đến thành phố Biên Hoà. Nguyệt lang thang hai ngày với túi đồ nhẹ tênh trên vai. Đi ngang một công trình xây dựng, thấy đề bảng cần thợ phụ, cô đến xin, không ngờ được nhận. Từ đó, đêm ngày Nguyệt vật lộn với xi măng, cát vữa để kiếm tiền nuôi sống bản thân và ấp ủ mơ ước có một ngày cô được làm phụ nữ.
Gần một năm sau, Nguyệt đã dành dụm đủ số tiền để làm phẫu thuật và về lại quê nhà. Các bác sĩ cắt bỏ phần thừa của bộ phận sinh dục, tạo hình và giữ lại thần kinh cảm giác cho âm vật. Cô đã trở thành một phụ nữ thật sự.
"Tôi hy vọng sau khi phẫu thuật xong sẽ có ai đó đến với tôi, dù muộn màng. Tôi chỉ ước có một mái ấm gia đình và những đứa con khoẻ mạnh". Nguyệt chia tay các bác sĩ với lời tâm sự như thế. Ước mơ thật bình dị nhưng sau 34 năm ôm nỗi đau trong câm lặng, người phụ nữ này mới dám thốt lên.
Hiện nay, những người có tình trạng không rõ ràng về giới tính có thể được chỉnh sửa một cách hợp pháp theo luật định. Họ còn được chỉnh sửa cả chữ "văn" hoặc "thị" trong giấy khai sinh. Thế nhưng, không phải ai cũng hồ hởi đi cãi mệnh trời.
Có người ngại vì các thủ tục pháp lý. Họ sợ phải ra phường, xã chứng nhận, làm giấy nọ giấy kia. Với họ, như thế chẳng khác nào tự thú rằng tôi bị bất thường ở "nơi đó". Nhiều người khác lại để rất muộn mới dám đến bệnh viện chỉ vì mặc cảm của chính họ lẫn gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Thành Như, trưởng đơn vị Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân, người từng tham gia các ca chỉnh giới tính, cho biết: "Có những người khi được bác sĩ thông báo giới tính thực của mình đã rơi nước mắt ngay tại chỗ và một đi không trở lại".
Theo bác sĩ Thành Như, có lẽ một ngày nào đó, y học sẽ hiểu được chính xác vì sao có sự bất thường về giới tính ở một số người, từ đó có biện pháp ngăn ngừa để trẻ sinh ra là nam hoặc nữ trọn vẹn. Trong lúc chờ đợi, sự cảm thông của những người xung quanh sẽ giúp cuộc sống của các bệnh nhân này nhẹ nhàng hơn.
Hiện nay, nhờ những tiến bộ của y học, người ta có thể phát hiện được nhiều dị tật trước và ngay khi trẻ chào đời để xử lý sớm, giảm thiểu những thiệt hại về tinh thần và thể xác cho trẻ sau này.
(Theo Phong Cách)