![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hòa. |
- Thưa ông, sau biện pháp mạnh tay đình chỉ một loạt doanh nghiệp, thị trường lao động Đài Loan đã có chuyển biến như thế nào?
- Chúng ta đã có nhiều biện pháp như yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh công tác tuyển chọn, tăng cường đào tạo giáo dục, không tuyển con em gia đình có lao động bỏ trốn, sang Đài Loan phối hợp với cơ quan chức năng của bạn để tìm kiếm, đưa lao động bỏ trốn về nước. Về mặt quản lý nhà nước, Cục đã đình chỉ 43 doanh nghiệp trong một thời gian nhất định để họ tự chấn chỉnh. Tuy nhiên, hiện chỉ có 7 lao động ở Đài Loan ra trình diện. Số bị cảnh sát bắt và trục xuất về nước khoảng 400 người.
Không chỉ Đài Loan, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang vấp phải khó khăn do tình trạng lao động bỏ trốn tăng. Nhìn chung, ý thức của lao động đối với cộng đồng, trách nhiệm với doanh nghiệp, nói rộng hơn nữa là trách nhiệm với đất nước vẫn còn thấp. Nhiều người chỉ nhìn thấy tiền trước mắt nên quyết tâm tìm mọi cách ở lại kiếm tiền, không nhìn thấy lợi ích lâu dài.
- Vậy Cục có biện pháp gì để duy trì được thị trường Đài Loan và đảm bảo sự ổn định ở các thị trường còn lại?
- Tuần này, Cục Quản lý lao động nước ngoài sẽ đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để ra công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh tăng cường giáo dục pháp luật, khơi dậy ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân của mỗi lao động. Thứ hai là chính quyền địa phương phải vận động gia đình có con em bỏ trốn về nước. Thứ ba là doanh nghiệp phải tuyển chọn người tốt, dứt khoát không lấy lao động trong gia đình có người thân bỏ trốn.
Đối với doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm phải tập trung vào việc quản lý lao động, phải làm mạnh hơn nữa, kiên quyết hơn nữa trong việc đưa số bỏ trốn về nước. Tháng này, Cục sẽ xem xét lại lần nữa, nếu doanh nghiệp nào vẫn để tỷ lệ lao động phá bỏ trốn cao, không vận động được họ về nước thì sẽ bị xử lý đình chỉ tiếp. Hiện các doanh nghiệp đang rất cố gắng tìm mọi biện pháp như thuê văn phòng hàng nghìn đôla tại nước ngoài, liên tục cử người sang giải quyết.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam?
- Năm nay, dự tính chúng ta xuất khẩu được 75.000 lao động. Con số này có thể gần đạt ngưỡng bởi hiện nay nguồn lao động hạn chế, tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, Đài Loan cao. Malaysia cũng bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề do công tác tuyển chọn chưa tốt nên có một số phần tử xấu sang, kích động lao động đánh nhau.
Nếu khắc phục được những bất hợp lý trên thì Việt Nam có thể đưa được trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc trong vài năm tới.
- Ngoài việc duy trì thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, công tác mở rộng thị trường mới được triển khai ra sao?
- Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tìm kiếm mở rộng thị trường. Mấy năm gần đây, Nhà nước đã bỏ kinh phí trên 1 tỷ đồng/năm cho công tác này. Sắp tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ cùng với Bộ Tài chính thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động nhằm xúc tiến mở rộng thị trường. Nhờ vậy, chúng ta đã ký được một số hợp đồng với Anh, Pháp, nhưng số lao động chỉ dừng ở một vài trăm vì yêu cầu của các đối tác này rất cao.
Như Trang