Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, người phát ngôn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đã đình chỉ công tác kíp trực liên quan đến sản phụ Trần Thị Phượng (ngụ Hậu Giang) tử vong sau ca sinh 7/8. Trong đó, ngoài 3 bác sĩ bị đình chỉ là Đỗ Thị Minh Nguyệt (trưởng ca trực), Lê Thị Thu Vân, Dương Thị Mỹ Linh, còn có 4 nữ hộ sinh và 1 hộ lý đều ở khoa sản. Lỗi của kíp trực được cho là giải thích với thân nhân người bệnh chưa kịp thời, tiên lượng diễn biến bệnh chưa chính xác và ghi chép hồ sơ bệnh án không đầy đủ theo quy định.
Chiều cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cùng chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) tổ chức kiểm thảo, đánh giá sự việc về nguyên nhân chị Phượng tử vong. Theo bác sĩ Vũ, dự kiến cuối tuần này sẽ có kết luận, cá nhân nào sai phạm đến đâu lãnh đạo bệnh viện sẽ xử lý đến đó.
Cũng trong ngày 9/8, gia đình đã an táng sản phụ 39 tuổi. Chị ra đi bỏ lại 2 con nhỏ, trong đó có bé gái mới 26 tháng tuổi.
Một tuần trước chị Phượng (mang thai 29 tuần) bị xuất huyết âm đạo, gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Thai phụ được chẩn đoán "nhau tiền đạo", chích thuốc xong vẫn tiếp tục xuất huyết. Ngày 4/8, siêu âm tiếp bác sĩ chẩn đoán "không phải nhau tiền đạo", có dấu hiệu hư, thai quay đầu, khô nước ối. Bác sĩ cảnh báo khó giữ được thai, bỏ con để cứu mẹ. Người nhà đề nghị cho sinh thường vì không có tiền mổ đẻ. Sau khi đặt thuốc, sản phụ bắt đầu đau bụng, tối 6/8 sốt cao. Gần nửa đêm chị sinh bé gái nặng 1,7 kg.
Theo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, lúc mới sinh bé còn thở thoi thóp rồi qua đời ngay sau đó. Khoảng 2h sáng 7/8 sản phụ bắt đầu khó thở, nhịp tim đập nhanh đến 180 lần/phút, sốt cao, huyết áp thấp, chảy máu âm đạo. Các bác sĩ đã ép ngực, hồi sức cho bệnh nhân nhưng đến rạng sáng cùng ngày chị mất. Bệnh viện sau đó cho rằng sản phụ gặp cơn bão giáp trạng, băng huyết sau sinh và rối loạn đông máu, không loại trừ thuyên tắc ối. Qua kiểm tra, bác sĩ cũng phát hiện chị Phượng có tiền sử bệnh bướu cổ, cường giáp.
Một bác sĩ chuyên khoa bướu cổ cho biết cường giáp là tuyến giáp trạng hoạt động mạnh, tiết ra nhiều hoóc môn thyroxin gây rối loạn chuyển hóa, đồng thời làm cho tuyến giáp to lên tạo thành bướu (bướu cổ). Khi bị cường giáp, nồng độ hoóc môn thyroxin trong máu mẹ rất cao, gây ra các triệu chứng điển hình như tay run, nhịp tim nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, nặng hơn là suy tim.
"Thyroxin đi vào thai nhi, tạo ra nồng độ cao trong máu thai. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sảy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc gây dị tật, dị dạng thai", bác sĩ cho biết.
Với cảnh báo trên, bác sĩ khuyên phụ nữ bị bệnh cường giáp không nên có thai. Nếu mang thai mà bệnh tiến triển nặng thì có nguy cơ bị các cơn cường giáp cấp (bão giáp) gây tử vong mẹ với tỷ lệ khá cao. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, cơn cường giáp có thể giảm xuống nhưng sau khi sinh lại tăng lên, gây trở ngại cho việc nuôi con.
Duy Khang