Ông Lê Minh Hoàng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trước đó, Tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng đã ký quyết định cho thôi việc ông Lê Văn Hoành, Phó giám đốc công ty Điện lực TP HCM vì liên quan đến những sai phạm trong đấu thầu, mua bán 312.000 điện kế điện tử.
Riêng với trường hợp của ông Lê Minh Hoàng, sở dĩ EVN phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội vì ông Hoàng là đại biểu Quốc hội khoá 11.
Theo chuyên viên của Ban công tác đại biểu Quốc hội, đây mới là quyết định tạm đình chỉ, vụ việc lại trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức nên Ủy ban thường vụ Quốc hội không có ý kiến. Theo điều 58, Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.
Ông Lê Minh Hoàng, sinh ngày 13/8/1945, là đại biểu Quốc hội khoá 11, quê xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Hiện ở số 9 Thái Văn Lung, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Trình độ học vấn: kỹ sư điện. |
Vẫn theo điều 58, trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ thì không được bắt giam, truy tố đại biểu, không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật.
Trả lời câu hỏi trường hợp nào đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm và ai sẽ bãi nhiệm, chuyên viên này dẫn điều 32, quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, trường hợp đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội bãi nhiệm. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, thành phố hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó.
Việc bãi nhiệm phải đợi tới kỳ họp Quốc hội gần nhất và được tiến hành như sau: Ủy ban thường vụ trình Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu để Quốc hội thảo luận. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu thảo luận tại Đoàn đại biểu; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan. Trước khi Quốc hội thảo luận, đại biểu bị đề nghị bãi nhiệm có quyền phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành biểu quyết về việc bãi nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Như Trang