Nguyên đơn Nguyễn Trung Trực đứng phía bên phải. |
Hôm nay, tòa tiếp tục xét xử nốt 3 vụ kiện tương tự còn lại. Đây là 5 kiện được dân trong tỉnh quan tâm theo dõi suốt 2 năm qua, lần đầu tiên người dân Bình Thuận đâm đơn kiện các quyết định hành chính của UBND tỉnh. Ông Cao Phi Hùng (Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường kiêm Phó ban Đền bù giải tỏa tỉnh) được UBND Bình Thuận ủy quyền đại diện cho bị đơn trước tòa.
Vụ kiện của gia đình ông Nguyễn Trung Trực (phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết) được HĐXX xem xét đầu tiên. Nguyên đơn khởi kiện 2 quyết định của UBND tỉnh về việc giải tỏa, đền bù đất và vật liệu kiến trúc thuộc sở hữu của gia đình.
Ông Trực trình bày rằng có 152,6 m2 đất. Trong quyết định thu hồi đất cho dự án kè sông Cà Ty, tỉnh ghi rõ là 152 m2, nhưng lại chỉ bồi thường 78,87 m2. Diện tích còn lại UBND Bình Thuận cho rằng do ông lấn sông mà có. Chủ tọa Ngô Trí Vĩnh hỏi: “Ông có bằng chứng gì chứng minh phần đất còn lại thuộc quyền sử dụng hợp pháp mình?”. Ông Trực đáp: “Có chứ. Năm 2000, tôi đã làm đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất. Chủ tịch UBND và Chủ tịch mặt trận phường ký tên đóng dấu hẳn hoi”.
Điều này được ông Võ Ngọc Thành (Chủ tịch UBND phường Bình Hưng), khẳng định: “Đúng. Tôi có xác nhận”. HĐXX chất vấn: “Vậy diện tích xác nhận là bao nhiêu?”. “152,6 m2 tại thời điểm đó”, ông Thành đáp.
Ông Cao Phi Hùng, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận. |
Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận trình bày quan điểm: "Căn cứ hồ sơ nhà đất do ông Trực đăng ký năm 1994 thì chỉ có gần 79 m2. Kê khai nộp thuế cũng có chừng ấy. Diện tích còn lại ở đâu ra? Tỉnh chỉ căn cứ vào đất có hồ sơ, khi đã có hồ sơ thì không thể căn cứ vào giấy xác nhận nào khác. Nếu đúng là đất ông Trực, tại sao ông không khai vào hồ sơ”. Nguyên đơn giải thích: “Chúng tôi khai ít đi vì sợ đóng thuế cao. Vả lại dù không đăng ký, nhưng Nhà nước vẫn chấp nhận bồi thường cho dân nếu đã sử dụng ổn định lâu dài. Đất này chúng tôi sử dụng ổn định hơn 30 năm”.
Qua các đợt chất vấn của tòa, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng thay đổi ý kiến, khi cho rằng chỉ ký xác nhận ông Trực có thường trú ở địa phương chứ không phải là "chuyện diện tích đất". Luật sư Phạm Ngọc Hiếu (bảo vệ nguyên đơn) nói: “Ông chủ tịch phường thay đổi ý kiến là có ý gì, nếu không muốn nói là né tránh trách nhiệm cá nhân. Người dân đưa đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất, ông ký tên đóng dấu, không phê gì. Thế là xác nhận việc sử dụng đất, còn xác nhận cư trú là chuyện của công an”. Ông Thành không phản ứng gì.
Tòa cũng xem xét việc nguyên đơn Trực không đồng ý với quyết định giá đền bù đất do UBND tỉnh áp dụng với diện tích của gia đình. Tuy nhiên, HĐXX sau đó đã khiến tất cả những người có mặt ở phòng xử án bất ngờ khi tuyên bố đình chỉ vụ kiện của ông Trực. Lý do là không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
HĐXX chuyển qua xét xử vụ kiện thứ 2 của nguyên đơn Đồng Thị Triều. Bà Triều cũng kiện các quyết định liên quan việc áp giá và diện tích đền bù, giống như nguyên đơn Trực. Chung một "kịch bản", sau 2 giờ thẩm vấn, TAND Bình Thuận cũng tuyên đình chỉ vụ kiện.
Việc HĐXX đình chỉ 2 vụ kiện nêu trên đã gây nhiều phản ứng đối với nhiều người. Họ cho rằng nếu không thuộc thẩm quyền thì sao tòa lại thụ lý đơn kiện suốt 2 năm qua. Phải chăng đây chỉ là cách để đẩy vụ việc đi theo một hướng khác.
5 nguyên đơn gồm ông Đặng Thế Vinh, Trần Văn Sách, Nguyễn Trung Trực cùng bà Nguyễn Thị Truyện và Đồng Thị Triều có diện tích đất nằm trong khu vực giải tỏa của dự án bờ sông Cà Ty. Họ không đồng ý với cách giải quyết của UBND tỉnh nên đã cùng đâm đơn kiện ra tòa. TAND tỉnh Bình Thuận đã thụ lý đơn kiện, sắp xếp đưa ra xét xử 5 vụ kiện trong ngày 24-25/2.
(Theo Người Lao Động, Tuổi Trẻ)