Ngày 22/3, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện phụ sản Trung ương, cho biết bệnh nhân kết hôn ba năm nhưng chưa có con, thường bị viêm nhiễm vùng kín, chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Lần này tắt kinh, chị tưởng có thai, song bác sĩ chẩn đoán chị bị lao sinh dục, dính buồng tử cung. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị không thể có con.
Một phụ nữ khác kết hôn một năm thì mang thai, không may thai chết lưu phải hủy. Sau đó, chị bị chậm kinh, tưởng có thai, kết quả chụp X-quang phát hiện bị dính buồng tử cung.
Bác sĩ cho biết buồng tử cung bị dính lại sẽ không có chỗ cho niêm mạc mọc dẫn đến không có kinh. Tuy vậy, cơ thể vẫn có những triệu chứng của thời gian hành kinh như tức ngực, mệt mỏi, khó chịu, khiến nhiều chị em nhầm lẫn mang thai. Bệnh được phát hiện nhờ chụp X-quang.
Với bệnh nhân này, bác sĩ chỉ định phẫu thuật để gỡ dính. Còn bệnh nhân mắc lao sinh dục và viêm nhiễm ở trên phải điều trị khỏi viêm trước, sau đó mới can thiệp.
Tử cung là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của người phụ nữ, cũng dễ bị tổn thương nhất. Theo bác sĩ, dính buồng tử cung là hiện tượng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào với nhau do lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương sâu. Tình trạng này ngăn chặn sự tái tạo bình thường của nội mạc tử cung, ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của trứng sau khi thụ thai.
Có nhiều nguyên nhân gây dính, phổ biến là nạo buồng tử cung sau sảy thai hoặc trong thời kỳ hậu sản, cắt u xơ tử cung, mổ lấy thai, lao sinh dục, viêm niêm mạc tử cung, xạ trị buồng tử cung.
Nếu tử cung bị dính toàn bộ, người phụ nữ sẽ tắt hẳn kinh vì không có niêm mạc để bong ra gây chảy máu. Nếu chỉ một phần buồng tử cung bị dính, phụ nữ vẫn đến tháng nhưng ra máu ít hơn, thời gian có kinh ngắn hơn, đau bụng do máu khó thoát ra.
Dính buồng tử cung có thể điều trị dứt điểm bằng cách phẫu thuật. Bác sĩ tách phần dính để tái tạo buồng tử cung, sau đó đặt một vách ngăn ở giữa hai mặt tử cung để ngăn chặn hai thành tử cung dính lại với nhau. Trường hợp buồng tử cung bị dính có viêm nhiễm, chị em phải điều trị dứt điểm bệnh phụ khoa trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ tắt hẳn kinh mà vẫn có các triệu chứng kinh nguyệt như cương ngực, đau bụng, đau lưng, hoặc lượng kinh bỗng ít hẳn kèm cảm giác đau bụng nhiều hơn, cần đi khám để điều trị sớm.
Minh An