Hồi đó nhà mình nghèo lắm, nghèo nhất cái xóm nhỏ vốn đã nghèo này, cả nhà bốn người chúng ta ở trong một căn nhà tranh xiên vẹo bởi bốn bức tường bằng đất sét, trộn với rơm và cũng chỉ có vỏn vẹn một chiếc giường tre nhưng tận bốn người chen chúc giành mềm nhau mỗi khi mùa đông về được. Mỗi mùa mưa bão về, cả nhà phải chạy đi tìm chỗ trú mưa dù bất kể là ngày hay đêm, bởi vì chỉ sợ cái gọi là nhà ấy, nó có thể sập bất cứ lúc nào. Con còn nhớ có lần vì bão về lúc đêm căn nhà như muốn sập tới nơi thế là nhà mình chạy tán loạn, cứ như đang chạy giặc vậy. Nhưng đang đi trên đường con sực nhớ ra rằng ngày mai con phải đi học, mà đi học thì phải có sách vở, nếu giờ mà chạy đi nhà sập sách vở ướt hết lấy gì mai đi học, ba má không thể mua sách vở mới được thế là con chạy quanh lại lấy cho bằng được sách vở để mai đi học dù cho nhà có sập. Giờ nhiều lúc nghĩ lại, con thấy lúc đó sao mà mình ngốc ngếch thế.
Vài năm qua đi, gia đình chúng ta đỡ khổ hơn chút xíu, có thể xây được cái nhà. Nhưng cái nhà người ta to đùng, sơn màu sắc đẹp ơi là đẹp thì nhà chúng ta chỉ xây lên bằng gạch không được tô bằng vữa chứ nói gì đến sơn, nó là căn nhà đúng theo nghĩa chỉ để che nắng che mưa. Cứ tưởng thế, nhà mình sẽ vượt qua được cái nghèo, cái khổ thì em gái lại bị bệnh. Cái bệnh mà ngày xưa nói đến tên là ai cũng sợ “viêm não Nhật Bản”. Sau một lần lên cơn sốt vì nhà nghèo quá không đi bệnh viện kịp để đến lúc đưa vào viện thì em đã không còn nhận ra được ai trong nhà mình nữa cả.
Thế là cả nhà có bao nhiêu tiền gom góp hết lại chữa bệnh cho em. Nhưng mà ông trời lúc đó chưa thương nhà ta, bệnh em không thể chữa ở quê được mà phải lên tận thành phố. Ngày đó, nhà chúng ta nghèo mà vẫn cứ ba tháng đều đặn một lần ba dắt theo em vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng cứ bác sĩ bảo đi đâu là ba và em lại lên đường đi tới đó. Có khi chỉ đi khám nhưng có khi nặng hơn phải nhập viện cả tuần thậm chí cả tháng trời, chi phí ngày một tăng thêm mà nhà chúng ta làm gì có nhiều tiền khó khăn lại chồng chất khó khăn. Và rồi em trai ra đời, con bước vào cổng trường cấp 3 với bao nhiêu nỗi lo toan nhọc nhằn ba má đều gánh cả. Ba má con lại càng phải vất vả làm lụng hơn xưa, phần vì nỗi lo cơm áo gạo tiền chi trả các sinh hoạt phí cho cả nhà và em trai nhỏ, phần còn lại là tiền thuốc thang cho em gái.
Chị em con chẳng thể giúp được gì được cho ba má chỉ biết chăm chỉ học hành. Mỗi sáng sau giờ đi học thì về giữ em và nấu cám cho heo ăn để các “chú ấy” mau lớn rồi bán lấy tiền phụ thêm vào kinh tế gia đình. Con cùng em gái tranh thủ học bài vào buổi tối.
Ngày con đậu đại học, nhà ta tổ chức buổi tiệc nho nhỏ mời các bà con và hàng xóm chung vui. Các bác ấy cứ bảo: “Hồi trước bà hay bác đi xay gạo lúc đó tụi con còn nhỏ xíu tầm 2 - 3 tuổi thôi, mấy đứa bay nằm bù lăn bù lóc, không ai ẵm bồng, thấy mà thương, giờ thì giỏi rồi đậu đại học luôn chắc nhờ ăn cám máy gạo ba mày xay”.
Có lẽ sau bao nhiêu ngày tháng gian khổ, vất vả thì cái nghèo đã không còn đeo bám, hạnh phúc cũng mỉm cười với nhà ta. Năm nay, con đã ra trường, em gái vào năm tư đại học, em trai vào lớp 7. Dù không giàu có hơn ai, vẫn chưa xây được căn nhà, chỉ có thể tô, sơn lát nền nhà cho nó mới. Nhưng với cả ba chị em chúng con thì mỗi giờ phút được ở bên ba má trong căn nhà ấy đều thật hạnh phúc, vui vẻ là những khoảng khắc yêu thương mà dù đi đến hết cuộc đời mình con cũng không thể quên.
Nhưng vẫn có một điều mà con luôn mong mọi người trong gia đình ta cùng thực hiện. Đó là cả nhà năm người chúng ta cùng chụp chung một tấm ảnh gia đình phóng thật to đặt trên tường vì nhà chúng ta nhỏ nên ai vào cũng có thể nhìn thấy như thế chắc sẽ đẹp lắm.
Với nhiều bạn, khi tham gia thi, mấy bạn ấy chắc suy nghĩ nhiều lắm về khoản chọn hình sao cho đẹp nhưng với con thì ngược lại. Con còn chẳng có tấm hình chụp chung nào của gia đình mình để mà chọn lựa. Ngày trước con nhớ nhà ta lúc bốn người thì có chụp chung với nhau một lần, là Tết năm con vào lớp 1, nhưng sau đó vì bão lũ mà chúng ta không thể giữ được tấm ảnh ấy. Từ đó đến nay, nhà ta giờ đã là năm người nhưng vẫn chưa chụp chung tấm nào. Phần thì lúc trước nhà ta khó khăn, ba má với những bộn bề công việc, bao nỗi lo toan chuyện cơm áo gạo tiền cho cuộc sống thì sao đủ điều kiện tới tiệm để chụp ảnh gia đình, phần thì nhà mình cũng có ai có cái điện thoại để chụp hình được đâu.
Mỗi lần có ai nhờ ba má đi đám cưới dùm thì ba má tranh thủ chụp chung tấm nhưng khi đó đâu có ba đứa chúng con. Mà con và các em cũng thế đi chơi chụp chung với bạn bè hoài, chọn hình đẹp thì chọn không hết mà với ba mà thì một cái cũng không có. Con nhớ cái hình ba và má, con tìm cực khổ lắm vì nó chụp từ hồi Tết của 5 năm trước. Em trai thì chụp cũng cách Tết đây 2 năm rồi, chỉ có hai chị em gái con nhờ có cơ hội vào được cánh cổng đại học, đi chơi đó đây với tụi bạn nên chúng nó nháy được cho tấm hình đẹp đẹp.
Tết năm ngoái con đã hứa với mình năm nay sẽ cố gắng kiếm tiền mua cái máy ảnh vừa tầm để Tết về nhà mình chụp hình với nhau, để rồi mỗi khi nhà mình có dịp gì lấy ra chụp cùng nhau lưu giữ kỷ niệm nhưng đến giờ con vẫn chưa thể kiếm được việc làm để mà thực hiện điều hứa ấy. Dù rằng chúng con sẽ nhớ tất cả những giờ phút liêng thiêng, hạnh phúc khi ở bên ba má, được làm con của ba má trong trí nhớ. Nhưng con cũng muốn sau này con của con, các cháu có thể là các chắt nữa chứ, cũng sẽ được nhìn thấy gia đình mình. Để con và các em có thể chỉ cho chúng đây là ảnh của cả nhà mẹ lúc mẹ 25 tuổi.
Năm cũ sắp qua, năm mới lại đến con hy vọng Tết năm nay cả nhà ta có thể cùng nhau cười thật tươi chụp chung được tấm ảnh gia đình điều mà với nhiều bạn khác thì rất đỗi bình thường, nhưng với con thì nó lại là điều ước thứ 7, điều ước chưa thể thực hiện được.
Phạm Lê Dĩ Hiền
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. |