Một học sinh phổ thông tên là Nguyễn Hoài Giang ở trường PTTH Hoàn Kiếm, Hà Nội (bây giờ hẳn Hoài Giang đã ở tuổi tứ tuần) ước rằng: “Năm 2000? Tôi hình dung và thành thực mong nó đúng như hình dung của mình. Lúc đó con người trong xã hội biết sống vì nhau, tốt hơn với nhau, không nhỏ nhen và vụ lợi như bây giờ. Mọi người độ lượng và tha thứ cho nhau. Trong xí nghiệp, cơ quan có sự công bằng trong thưởng, phạt. Trong nhà trường học sinh biết tôn trọng và nghe lời thầy cô giáo. Các thầy cô giáo được đảm bảo đời sống, không phải đi làm thêm những nghề như rửa bát, bán thuốc lá... như hiện nay. Trong bệnh viện không còn tình trạng bác sĩ sau một ca mổ, một đêm trực mệt nhoài nhưng chỉ được bồi dưỡng một số tiền không đủ ăn một bát phở”.
Trong chùm phỏng vấn ấy, hầu hết mọi người đều ước mong về một năm 2000 ổn định cho chính mình. Chỉ có “bạn” học sinh lớp 10 tên Giang ước mơ về cả một xã hội tốt đẹp. Tôi không biết sau gần 30 năm, Hoài Giang đã trở thành một người như thế nào. Nhưng tôi tin, người nghĩ như thế năm 16 tuổi, sẽ trở thành một người tốt.
Chỉ tiếc rằng năm 2000 đã qua khá lâu rồi, điều ước của bạn học sinh ngày nào dường như vẫn rất xa.
Đến năm nay, 2015, tôi vẫn nghe một thầy giáo kể về chuyện gặp đồng nghiệp trên đường phải cúi mặt tránh nhau, vì người thầy kia đang đi giao tương cho các nhà hàng để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Đến năm 2015 này, tôi vẫn phải viết những bài báo về các bác sĩ nhận phụ cấp không đủ một bát phở. Hơn 30 năm, bát phở vẫn là thước đo cho nhiều buổi trực, của nhiều ngành nghề. Và nếu muốn thoát khỏi hệ quy chiếu “bát phở”, thì bạn đều biết rằng người ta phải làm gì: nhiều khả năng họ phải thủ tiêu đi cái sự “công bằng” hay “sống vì nhau” - như trong điều ước của cậu học sinh năm nào.
Mùa xuân là mùa của những ước vọng. Chúng ta chắp tay trước bàn thờ tổ tiên, trước sân đình cửa chùa, chúng ta nhủ thầm những điều ước. Và cả những lời chúc nữa, cũng là một dạng thức của điều ước.
Nhưng bây giờ đọc lại những điều ước trên tờ báo xuân ngả màu của gần 30 năm về trước, tôi chợt tự hỏi rằng có khi nào những điều ước mùa xuân chỉ là một thứ quán tính hay không. Chúng ta ước chỉ vì mùa xuân đến thì phải ước. Chứ điều ước không được hiện thực hóa bằng một thái độ sống.
Có thể bạn không nhận ra, nhưng ngay cả những điều ước “may mắn”, “an lành” và “hạnh phúc” dù là cho cá nhân bạn và người thân, thật ra cũng là điều ước về một xã hội tốt đẹp. Cho dù bạn có vị kỷ đến thế nào, thì hàng ngày, đi xe trên đường, vào cơ quan, vào bệnh viện, cái sự không-hạnh-phúc nó cũng sẽ tự ập vào bạn nếu ta không có một xã hội tốt.
Điều ước năm mới nào, cũng có thể mang hình dáng của điều ước mà bạn Nguyễn Hoài Giang đã nói. Điều ước về một cái tốt đẹp chung. Nhưng có bao nhiêu điều ước như thế đã đi vào hư không?
Cuối năm, tôi ra chợ đầu mối Long Biên, lẽo đẽo đi theo một người bốc vác già. Người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi. Chúng tôi muốn phỏng vấn, nhưng cô không có thời gian tiếp chuyện. Người phụ nữ ấy vẫn hăng hái hết quang gánh này quang gánh khác, chạy luôn chân, hồ hởi nhận từng đồng tiền lẻ. Cô vui lắm, vì giáp Tết nhiều việc. Người trong chợ kể, rằng cô đã nuôi mấy đứa con học đại học bằng cái đòn gánh ấy.
Tôi hiểu sao cô vui. Cô có một điều ước rất rõ ràng, rất tốt đẹp và sung sướng trên đường thực hiện nó. Bạn có thể bắt gặp nét mặt rạng rỡ ấy ở bất kỳ đâu, của bất kỳ người lao động đứng tuổi nào trong thành phố đang nuôi một ước mơ cho những đứa con của mình. Điều ước, có thể trở thành một mục tiêu. Cho dù là loại mục tiêu bắt người ta phải gánh năm bảy chục cân một lúc, chạy băng băng trên những con dốc của đê Yên Phụ.
Điều ước, không phải là những lời lầm rầm trên môi; nó là những quang gánh nặng trên vai người phụ nữ kia, là bước chân băng băng trên đôi dép nhựa mòn len lỏi qua chợ, là nụ cười hân hoan trên hành trình tưởng đầy nặng nhọc ấy.
Có bao nhiêu người trong chúng ta, khi nói lên những ước mơ đầu năm mới, nghĩ về nó như một mục tiêu đè lên vai mình? Tìm kiếm hạnh phúc, không bao giờ là dễ dàng.
Năm 2015 - nếu có một điều ước, bạn ước mong gì?
Đức Hoàng