Bé gái ngồi xe lăn, trên tay vẫn còn cắm kim truyền dịch, khi dự lễ đón Giáng sinh sớm tại bệnh viện, hôm cuối tuần. Bé sinh ra khỏe mạnh, gần đây hay sốt kèm nổi mẩn khắp người.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khám, chẩn đoán bé bị bệnh HLH (hội chứng thực bào máu - là một rối loạn không phổ biến gây rối loạn chức năng miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Bé phải trải qua 40 tuần điều trị, hiện đã truyền hóa chất lần thứ ba.
"Bác sĩ nói khả năng sống của con là 50-50", mẹ bé - chị Hạnh, cho biết. Nghe con ước "khỏi bệnh", chị lặng thầm rơi nước mắt, hy vọng điều ước sẽ thành hiện thực và chia sẻ quyết tâm đồng hành với con đến cùng.
Ngồi cạnh mẹ con chị Hạnh là bà Mỵ, người dân tộc Thái ở Lai Châu. Bà lặng lẽ ôm đứa cháu trai mới 16 tháng tuổi vào lòng. Cậu bé đã nằm viện hai tuần, điều trị ung thư máu. Bố mẹ không chung sống với nhau, bé ở với ông bà nội khi mới 5 tháng tuổi. Đây là lần đầu bé dự lễ Giáng sinh, lại ở trong bệnh viện, đôi mắt ngơ ngác, tròn xoe nhìn xung quanh, tay cầm quả bóng bay, thi thoảng đung đưa cơ thể theo tiếng nhạc.
"Nếu điều ước Giáng sinh có thật, tôi chỉ ước cháu tôi khỏi bệnh, khỏe mạnh, thân già này có nhọc nhằn thế nào cũng cố gắng nuôi cháu", người bà hơn 60 tuổi, nói.
Ngày mùa đông giá rét, có những em bé chơi lễ Giáng sinh trên tay còn cắm kim truyền, bên hông đeo túi nước tiểu sau phẫu thuật. Có những em vừa trải qua giờ điều trị hóa chất rụng hết tóc, cơ thể mệt mỏi, phải di chuyển bằng xe lăn... Điều ước "khỏi bệnh" không chỉ với riêng con chị Hạnh hay cháu bà Mỵ, mà còn của hàng trăm bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Như bé gái 9 tuổi ngồi xe lăn, bàn chân bó bột, bị viêm xương tủy nhiễm khuẩn đường máu cấp tính do vi khuẩn tụ cầu vàng. Sau phẫu thuật, ba tuần nằm viện, bé đã giảm nhiễm khuẩn và tiếp tục điều trị. "Con muốn được nhảy múa như các chị trên sân khấu", bé nói trong khi mắt vẫn dõi theo chương trình văn nghệ mừng Giáng sinh. Nhưng để thực hiện mơ ước đó, bé còn phải trải qua một hành trình dài hình thành xương mới để có đôi chân khỏe mạnh.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trịnh Ngọc Hải cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện đón tiếp khoảng 4.000-5.000 bệnh nhân đến khám. Hầu hết các em đều mắc bệnh nặng, sống ở các tỉnh, thành phía bắc. Hiện bệnh viện thường xuyên có gần 2.000 bệnh nhi điều trị nội trú, có những cháu nằm viện liên tục vài tháng phải chịu sự đau đớn của bệnh tật.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 2.500 trẻ em mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư bạch cầu, thận, xương, não. "Ung thư là nguyên nhân hàng đầu trong số bệnh tật gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên", tiến sĩ Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương, nói.
Tại các nước phát triển, trên 80% trẻ mắc ung thư được chữa khỏi, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ 20%. Theo bác sĩ Lan, hiện nay, nhờ những tiến bộ của khoa học công nghệ và thuốc, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ung thư khỏi bệnh tăng cao hơn, mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều em. Các liệu pháp mới như miễn dịch dựa trên tế bào, phương pháp nhắm mục tiêu vào khối u đem lại hiệu quả đột phá cho điều trị ung thư.
"Nhiều em bé ở viện nhiều hơn ở nhà, bởi vậy bệnh viện tổ chức lễ Giáng sinh cho các cháu nhằm cổ vũ tinh thần hàng trăm trẻ nhỏ đang điều trị tại đây", bác sĩ Hải nói.
Lê Nga