Sóng xung kích với các cấp năng lượng khác nhau từ lâu đã được áp dụng rộng rãi trong y khoa. Trong chấn thương chỉnh hình, nó có tác dụng điều trị các vôi hóa, đau do chồi xương, viêm gân và chậm liền xương. Sóng xung kích năng lượng cao còn được dùng phổ biến để tán sỏi ngoài cơ thể.
Gần đây, các nhà khoa học ứng dụng sóng xung kích năng lượng thấp (low intensity shock wave - LISW) điều trị rối loạn cương dương. Phương pháp này lần đầu được áp dụng vào năm 2010 bởi nhóm nghiên cứu đến từ Israel. Kết quả điều trị cho thấy rất khả quan khi các chỉ số đều được cải thiện rất rõ ràng sau 1 tháng. Đặc biệt là độ cương cứng của dương vật tăng lên đáng kể, tỷ lệ cải thiện lên tới 75%.
Theo đó, bệnh nhân sẽ được chạy sóng xung kích vào khu vực dương vật trong khoảng 20 phút (giống cơ chế như việc tán sỏi ngoài cơ thể). Mỗi lần điều trị cách nhau 7 ngày. Mỗi liệu trình gồm 2-6 lần chạy sóng xung kích cường độ thấp.
Dù mới được phát triển, nhưng hiện nay điều trị rối loạn cương bằng sóng xung kích năng lượng thấp đã được phổ biến trên 70 quốc gia. Các nghiên cứu đã được tiến hành ở rất nhiều các nước có nền y học hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Israel.
Năm 2013, phương pháp điều trị rối loạn cương bằng sóng xung kích năng lượng thấp chính thức được Hội Niệu khoa châu Âu công nhận là tiêu chuẩn vàng trong điều trị rối loạn cương. Nó cũng được đăng tải trong cuốn Hướng dẫn điều trị các bệnh rối loạn tình dục ở nam giới- cuốn sách gối đầu giường của các bác sĩ nam khoa.
Dựa trên các mô hình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy loại sóng này có tác dụng kích thích, làm tăng sản xuất một lượng đáng kể nitric oxide (phân tử giúp làm giãn mạch máu, đưa máu vào dương vật nhiều hơn) và hoạt hóa con đường cascade nội bào (intracellular cascade pathways) giúp tăng giải phóng yếu tố tăng sinh mạch máu dẫn tới hình thành thêm các vi mạch. Nhờ đó, lượng máu bơm vào dương vật tăng lên và cải thiện khả năng cương cứng của dương vật.
Các nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng, trên những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng các thuốc thông thường vẫn cho tỷ lệ đáp ứng cao. Thời gian duy trì chất lượng cải thiện tình trạng cương dương là ít nhất một năm.
Tỷ lệ điều trị thành công cao khi được phối hợp với các liệu pháp điều trị khác, có thể lên tới 8090%. Hiệu quả điều trị được duy trì lâu dài. Hơn 90% số bệnh nhân có cải thiện khả năng cương cứng đều duy trì được sự cải thiện cương dương ít nhất là 12 tháng. Phương pháp này được đánh giá an toàn, trong khi đó, các thuốc nhóm ức chế PDE5 đều phải rất cẩn thận trên những người bị các bệnh tim mạch.
Rối loạn cương là tình trạng bệnh lý phức tạp, có sự phối hợp giữa các nguyên nhân tâm lý, rối loạn chức năng mạch máu, vi mạch, tổn thương thần kinh và thực thể. Vì vậy, điều trị bệnh cần phải dựa trên tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người và bác sĩ nam khoa sẽ phải thăm khám toàn diện, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để có thể có chiến lược điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thế Lương
Phó giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội