![]() |
Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc tại BV Bạch Mai. |
Người bị ngộ độc cũng có triệu chứng tim mạch do mất nước - điện giải hoặc do chính độc chất gây nên (mạch nhanh, huyết áp giảm, loạn nhịp); sốt cao, hạ nhiệt độ (thường do vi khuẩn và độc tố vi khuẩn). Tùy theo nguyên nhân ngộ độc, bệnh nhân có thể suy hô hấp (do ăn cá nóc), tím tái (do ngộ độc sắn, măng tươi), suy gan và rối loạn đông máu (do ngộ độc nấm độc), đái ít, vô niệu (do ngộ độc nấm độc, mật cá trắm)... Những trường hợp ngộ độc do nhiễm khuẩn - nhiễm độc thức ăn thường dễ chẩn đoán; còn ngộ độc do quá liều hóa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng thường khó chẩn đoán.
Mất nước và điện giải là triệu chứng nguy hiểm dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, trước tiên phải bồi phụ nước và điện giải. Đơn giản nhất là cho người bệnh uống oserol hoặc nước gạo rang pha đường, muối trong khi chờ đến bệnh viện. Cách này đã làm giảm tỷ lệ tử vong một cách đáng kể, đặc biệt là ở trẻ em và người già. Khi cần thiết thì phải truyền dịch; tốt nhất là dung dịch ringer lactate, có đầy đủ các chất điện giải. Ngoài ra, có thể dùng các dung dịch đẳng trương như NaCl 0,9%, Glucoza 5% cho thêm KCL... Trong những trường hợp tụt huyết áp, không dùng các dung dịch ưu trương vì sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.
Bệnh nhân cũng được dùng các thuốc giảm đau và giảm kích thích ruột như buscopan, visceralgine; hạ nhiệt khi sốt cao bằng paracetamol. Nếu bị nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh như ampicillin, amoxicillin, peflox, biseptol..... Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên ăn lỏng, nhẹ, dùng đồ dễ tiêu như cháo thịt nạc.
Nếu nguyên nhân ngộ độc là hóa chất bảo quản thực phẩm, bảo vệ thực vật hoặc do thực động vật chứa độc tố thì ngoài các biện pháp trên, bệnh nhân cần dùng thêm thuốc giải độc là than hoạt tính. Đây là thứ bột nhỏ mịn, màu đen, không mùi. Một gam than hoạt tính khi uống được trải rộng trên bề mặt 900 - 1500 m2 , thậm chí tới hơn 3000 m2; trong khi 1 g than không hoạt tính chỉ trải rộng 2 - 4 m2. Do vậy, than hoạt có khả năng hấp phụ rất lớn, đặc biệt là các chất gây ngộ độc theo đường tiêu hóa. Nó có thể được dùng một hoặc nhiều liều với nhiều dạng khác nhau: bột, dung dịch, nhũ tương.
Liều than hoạt được khuyên dùng 1-2 gam/kg cân nặng, có thể phối hợp với sorbitol với liều tương đương hoặc gấp đôi. Với trẻ em: 1 gam/kg cân nặng.
TS Bế Hồng Thu, Sức Khỏe & Đời Sống