Để có căn cứ xác định bạn có đòi được tiền bồi thường hay không cũng như xác định cơ sở thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm đến đâu đối với thiệt hại của bạn cần phải đánh giá, xem xét thỏa thuận (hợp đồng) giữa các bên về việc phẫu thuật thẩm mỹ ra sao.
Các chi tiết cần xem xét trong hợp đồng bao gồm: cam kết về kết quả thẩm mỹ, tình trạng rủi ro, biến chứng, công nghệ áp dụng khi phẫu thuật, tay nghề, chuyên môn của bác sỹ, các loại thuốc sử dụng điều trị...
Trường hợp cơ sở thẩm mỹ vi phạm (có lỗi) thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại cho khách hàng. Người có hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).
Về việc xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, Điều 73 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 quy định:
1. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định đã có một trong các hành vi sau đây:
a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
c) Xâm phạm quyền của người bệnh.
2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;
b) Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Điều 76 Luật Khám chữa bệnh, quy định trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trường hợp bạn, cơ sở thẩm mỹ và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm (nếu có) không thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp thì bạn có quyền khởi kiện vụ án đòi bồi thường thiệt hại tại Tòa án nhân nhân có thẩm quyền.
Khi giải quyết vụ án, Tòa án có thể ra quyết định trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn để có căn cứ xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại, lỗi của mỗi bên cũng như các vấn đề khác liên quan đến yêu cầu của người bị thiệt hại.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội