Nội dung trên được chia sẻ trong buổi tư vấn trực tuyến "Những điều bạn nên biết về đái tháo đường típ 2 và khởi đầu hành trình với insulin" được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress hôm 24/11. Chương trình do Tổng Hội Y Học Việt Nam thực hiện và tài trợ bởi Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam.
Trong buổi tư vấn, TS. BS Nguyễn Thu Hiền – Trưởng khoa Điều trị ban ngày, Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương đã chia sẻ thông tin xoay quanh đái tháo đường típ 2, đồng thời giải đáp các thông tin chưa chính xác về insulin và cách để khởi đầu hành trình điều trị với insulin an toàn và đúng cách.
Những nguy cơ gây đái tháo đường típ 2
Dù 90-95% người trung niên và người cao tuổi mắc đái tháo đường típ 2, bác sĩ Hiền cảnh báo tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc đái tháo đường, ở mức nguy cơ cao hoặc thấp khác nhau. Theo bác sĩ Hiền, có những yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường típ 2 không thể can thiệp đó là:
- Độ tuổi: Khi tuổi càng cao nguy cơ đái tháo đường sẽ càng cao. "Cứ 5 người trên 65 tuổi thì có 1 người mắc đái tháo đường", bác sĩ Hiền cho biết.
- Giới tính: Tỷ lệ nam giới có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn nữ giới
- Yếu tố di truyền khi có bố mẹ hoặc anh chị em trong nhà có tiền sử mắc bệnh
Bên cạnh đó, có những yếu tố nguy cơ có thể can thiệp như thừa cân, béo phì, tiền sử mắc đái tháo đường thai kì, tăng huyết áp,...
Bác sĩ Hiền nhấn mạnh cách để phòng ngừa đái tháo đường típ 2 chính là thay đổi lối sống lành mạnh hơn, can thiệp tích cực ngay khi có các triệu chứng tiền mắc bệnh để giúp chuyển biến các nguy cơ cao thành nguy cơ thấp, trong phạm vi có thể kiểm soát ổn định đường huyết.
Tuy nhiên, việc điều trị đái tháo đường đối với bệnh nhân là những người cao tuổi hay mắc các bệnh lý đi kèm về phổi, gan và tim mạch thực sự là vấn đề đáng quan ngại. Người lớn tuổi mắc đái tháo đường không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng hợp lý của bác sĩ mà còn phải chuẩn bị một tinh thần thật tốt để chung sống lâu dài với căn bệnh này.
Bác sĩ Hiền chia sẻ trường hợp điều trị bệnh cho một cụ ông lớn tuổi. Ngoài mắc đái tháo đường bệnh nhân còn mắc thêm rất nhiều các bệnh đi kèm như tim mạch, tăng huyết áp, xơ gan. "Tưởng như đây sẽ là một hồi kết đối với nhiều người, nhưng với sự kiên trì trước sóng gió bệnh tật và chủ động trong việc chữa trị bệnh của bản thân, cụ ông vẫn có thể kiểm soát tốt đường huyết dù đã trải qua một hành trình dài 7 năm điều trị với insulin", bác sĩ cho hay.
Bên cạnh đó, dù người trẻ có nguy cơ thấp mắc đái tháo đường, bác sĩ bày tỏ lo ngại khi đối tượng này có nguy cơ tiến triển bệnh nặng nhanh hơn, tỷ lệ biến chứng gặp phải sẽ cao hơn nếu chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị. "Xu hướng mắc đái tháo đường trên thế giới và cả ở Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa, cứ 3 người trẻ thì sẽ có 1 người mắc tiền đái tháo đường" - TS. BS Nguyễn Thu Hiền cho hay.
Sử dụng insulin điều trị đái tháo đường típ 2
Tụy tiết insulin qua 2 pha: pha nhanh đón đường huyết sau ăn và pha chậm giúp giảm đường huyết sau hấp thu, nếu bệnh nhân có số lượng insulin bình thường nhưng rối loạn trong tiết insulin thì đây chính là yếu tố để bệnh nhân có thể xác định và chẩn đoán sớm mắc đái tháo đường típ 2.
Ở đái tháo đường típ 1 gần như là sự thiếu hụt insulin tuyệt đối khi tụy bị phá hủy chỉ còn khả năng khoảng 20% và cần bù insulin tuyệt đối. Nhưng đối với đái tháo đường típ 2 lại có một diễn biến khác hơn khi xảy ra 2 cơ chế bao gồm kháng insulin và suy giảm chức năng tế bào beta của tụy.
Vì vậy, theo bác sĩ Hiền, việc sử dụng insulin trong điều trị đái tháo đường típ 2 cũng khác hoàn toàn so với típ 1. Đôi khi insulin được chỉ định ngay trong giai đoạn đầu điều trị nếu tình trạng đường huyết tăng cao cần bù insulin hoặc vào thời điểm cuối cùng khi chức năng beta của tụy đã suy kiệt. Tất cả việc chỉ định điều trị insulin này đều nhằm mục đích nhanh chóng giải quyết tình trạng đường huyết của bệnh nhân và ngăn ngừa các biến chứng hết mức có thể.
Các trường hợp bệnh nhân đái tháo đường típ 2 phải sử dụng insulin thường gặp khi có mức đường huyết tăng cao hoặc thời gian mắc bệnh đã kéo dài khoảng 8-10 năm. Nếu trì hoãn việc sử dụng insulin rất có khả năng khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các biến chứng khôn lường.
Tại buổi tư vấn trực tuyến, bác sĩ Hiền khuyên tất cả mọi người nên thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực thường xuyên để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, số người mắc tiền đái tháo đường cao gấp 1,4 lần số người mắc đái tháo đường.
"Đồng thời, việc tuân thủ phác đồ điều trị và chủ động điều trị bệnh chắc chắn sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường giảm bớt áp lực tâm lý, giảm nhẹ tình trạng bệnh lý đang gặp phải", bác sĩ cho biết.
Độc giả có thể xem thêm phần giải đáp thắc mắc về việc đái tháo đường típ 2 và khởi trị với insulin tại đây hoặc xem lại chương trình tư vấn trực tuyến trên fanpage Vnexpress.
Anh Ngọc