Ngày 20/4, TAND tỉnh Đăk Nông trả hồ sơ vụ án Trịnh Sướng (55 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) và 38 đồng phạm về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung một cách toàn diện.
Theo HĐXX, quá trình thẩm vấn và tranh luận các bị cáo khai không thống nhất về số tiền thu lợi bất chính và tổng số lít xăng giả các bị cáo sản xuất nên cần điều tra làm rõ, đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách chính xác, đầy đủ.
Trước đó, quá trình tranh luận, luật sư Nguyễn Duy (bào chữa cho bị cáo Trịnh Sướng) cho rằng cơ quan tố tụng phải trừ số xăng thật bị thu giữ (hơn 2 triệu lít) ra. Như vậy, số lượng xăng giả trong vụ án là 135 triệu lít thay vì 137 triệu lít như cáo trạng nêu.
Ngoài ra, theo luật sư Duy, thân chủ bị cáo buộc thu lợi bất chính 102 tỷ đồng là không chính xác. Bởi cáo trạng truy tố mức thu lợi bất chính là 800 đồng/lít xăng giả nhưng Trịnh Sướng khai mức lợi nhuận này là đối với xăng A95, còn xăng A92 và E5 chỉ lời 300 đồng/lít.
Bào chữa cho bị cáo Lưu Văn Nguyện (Giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh, đơn vị bán dung môi cho Sướng), luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng, các bị cáo bị truy tố tội Sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng cơ quan tố tụng chưa làm rõ "thế nào là xăng giả"; kết luận giám định khác với quan điểm truy tố...
HĐXX sau đó đã quay lại phần xét hỏi, thẩm vấn Trịnh Sướng cùng đồng phạm về công thức, tỷ lệ pha trộn xăng thật vào xăng giả và mức hưởng lợi ứng với từng loại xăng. Tuy nhiên, lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhau.
Trước đó, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng và đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Sướng 12-13 năm tù; Đinh Chí Dũng 7-8 năm tù; Nguyễn Thị Thu Hòa 7 năm 6 tháng - 8 năm tù; Nguyễn Ngọc Quan, Lưu Văn Nguyện cùng bị đề nghị 5-6 năm tù... Với vai trò đồng phạm, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3-8 năm tù .
Theo cáo trạng, đầu năm 2017, Trịnh Sướng thuê người sản xuất xăng A95 và E5 Ron 92 giả bằng cách pha dung môi với 20%-30% xăng thật (A95) cùng các hóa chất, sau đó cho hợp chất màu công nghiệp Azo vào để tạo màu.
Tháng 4/2019, đại gia miền Tây thuê thêm mặt bằng tại Kho xăng Ressol thuộc Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol (quận Ô Môn, Cần Thơ) để mở rộng việc làm xăng giả. Sướng không trực tiếp đứng ra mua bán mà thông qua Trương Như Tuyết và nhiều người khác. Trong đó, Tuyết được giao phụ trách xuất hóa đơn giá trị gia tăng, giúp Sướng bán xăng giả; quản lý tiền mặt, thanh toán tiền mua dung môi...
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2017 đến năm 2019, hai kho hàng xăng dầu của Trịnh Sướng ở tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ đã sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả các loại (A95, A92, E5 RON 92), tương đương trị giá hàng thật 2.492 tỷ đồng.
Sướng và 10 đồng phạm đã bán ra thị trường 133 triệu lít xăng giả thông qua 8 cửa hàng xăng dầu của mình và bán cho 137 cửa hàng thuộc đại lý bán lẻ của Công ty TNHH Mỹ Hưng; 55 cửa hàng khác thuộc đại lý bán lẻ của Công ty TNHH Gia Thành; 145 cửa hàng bán lẻ khác... Riêng Sướng thu lợi bất chính hơn 102 tỷ đồng.
Trong vụ án, Nguyễn Thị Thu Hòa được xác định là người cung cấp phần lớn dung môi cho Sướng và các đầu mối khác. Từ năm 2017 đến 2019, Hòa bán gần 23 triệu lít dung môi, thu lợi bất chính 2,7 tỷ đồng.
Ngoài Sướng, một số chủ doanh nghiệp xăng dầu khác như Nguyễn Ngọc Quan, Đinh Chí Dũng... cũng bằng cách thức tương tự đã sản xuất và bán ra thị trường hàng chục triệu lít xăng giả.
Hồi tháng 1, TAND tỉnh Đăk Nông đã mở phiên tòa nhưng sau đó hoãn do 3 bị cáo tại ngoại không đến tòa. Trong đó, Lê Thị Lý có đơn xin xét xử vắng mặt vì sinh con nhỏ; gia đình Lê Châu Phước Hưng có đơn xin hoãn phiên toà vì bị cáo "đang điều trị bệnh tâm thần".
Hải Duyên