Ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.
Theo đó, các doanh nghiệp đang bị điều tra có trụ sở ở TP Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết điểm chung của các doanh nghiệp này là trong thời gian ngắn đã sản xuất và xuất khẩu số lượng lớn hàng gỗ dán, gỗ ghép có trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.
Ông Hùng dẫn chứng, Công ty TNHH Thương mại VT (Hà Nội), từ đầu năm 2018 đến hết tháng 3/2019 đã xuất khẩu hơn 27.051 m3 các mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán trị giá hơn gần 406 tỷ đồng. Hay Công ty cổ phần AA (Nam Định) xuất khẩu hơn 5.700 m3 gỗ sau 10 tháng thành lập, trị giá hàng hoá gần 61 tỷ.
"Qua xác minh chúng tôi phát hiện một số vi phạm của doanh nghiệp trong lập hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O). Các doanh nghiệp cũng thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ từ các hộ dân mà sử dụng hợp đồng ký khống", ông Vũ Quang Toàn - Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu) cho biết.
Một số doanh nghiệp còn nhập khẩu ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O. Riêng với Công ty VT, ông Toàn thông tin, một số hồ sơ xin cấp C/O cho các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này có sử dụng các giấy tờ không hợp pháp, một số giấy tờ có dấu hiệu làm giả.
Cục Điều tra chống buôn lậu cũng nhận thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong xác nhận hồ sơ lâm sản. UBND một số xã không mở hồ sơ theo dõi khai thác lâm sản, không kiểm tra thực tế trước khi xác nhận hồ sơ lâm sản. Cá biệt có trường hợp lãnh đạo UBND xã ký, đóng dấu sẵn vào một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, bảng kê lâm sản khai thác... rồi đưa cho hộ dân về tự điền thông tin vào các giấy tờ trên.
Ngoài ra, một số bảng kê lâm sản, bảng kê lâm sản khai thác không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, chữ ký của chính quyền xã, không có chữ ký của người dân trong hợp đồng mua nguyên liệu nhưng vẫn được cấp chứng nhận C/O.
Hiện, Cục Điều tra chống buôn lậu đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật về C/O không trung thực, về dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ, về dấu hiệu chiếm đoạt thuế VAT (nếu có). Việc điều tra cũng được mở rộng ra các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép, gỗ dán có số lượng tăng đột biến.
Anh Minh