Suy thoái sâu, giá cả tăng vọt và hệ thống ngân hàng mong manh là tình trạng hiện tại của Nga. Dù đồng rouble dường như đã ổn định sau khi rơi vào tình trạng giảm không đáy trong tuần vừa qua, Nga vẫn phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Hầu hết người Nga đã thở phào khi tuần vừa rồi kết thúc. Sau khi giao dịch ở mức đáy 80 rouble đổi một USD và 100 rouble một euro, đồng tiền này có vẻ đã ổn định ở mức tương ứng khoảng 60 và 73.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine và giá dầu giảm mạnh cuối cùng đã gây ảnh hưởng tới đất nước mà một nửa doanh thu Chính phủ phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Các cơ quan chức năng chỉ hết sững sờ khi đồng rouble lấy lại được đà hồi phục.
Sau khi đồng rouble giảm gần 10% vào thứ Hai, Ngân hàng trung ương Nga đã ngay lập tức can thiệp vào thị trường tiền tệ, khi tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% vào nửa đêm. Nhưng điều này không ngăn được sự hoảng loạn, khi đồng rouble giảm tiếp 20% vào thứ Ba, trang web của các ngân hàng bị sập vì có quá nhiều người cố gắng kết nối, và người dân tụ tập tại Ikea cho tới 2 giờ sáng để mua hàng trước khi thông báo tăng giá có hiệu lực.
Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng tại cuộc họp báo cuối năm. Ông cho rằng sự phục hồi là "chắc chắn", dù thừa nhận có thể mất tới 2 năm để hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, ông cũng không công bố bất kỳ cải cách kinh tế hay giải pháp cụ thể nào phục vụ cho việc đương đầu với cuộc khủng hoảng.
Chris Weafer - nhà phân tích của công ty tư vấn Macro Advisory nhận định rằng sau tuần vừa qua, "xu hướng của nền kinh tế trong 6 tháng tiếp theo chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn nhiều". "Niềm tin đối với ngân hàng trung ương, tiền tệ và chiều hướng phát triển của nền kinh tế đều bị lung lay. Tiêu dùng và đầu tư sẽ chịu nhiều hậu quả từ việc tâng lãi suất. Lạm phát sẽ cao hơn vì đồng tiền yếu đi. Các ngân hàng sẽ phải quay sang cầu cứu chính phủ và các kệ hàng hóa sẽ trống trơn sau năm mới," ông cho biết trên AFP.
Một số cửa hàng đã quyết định ngưng hoạt động. Apple dừng bán trên cửa hàng trực tuyến tại Nga. Ikea cũng ngừng bán đồ gia dụng và cảnh báo giá trên trang web "có thể khác với giá tại các cửa hàng". Opel và Chevrolet không còn cung cấp hàng cho các đại lý nữa. Các phương tiện truyền thông Nga cho biết các cửa hàng bán rượu hoặc quần áo nhập khẩu bao gồm Zara, Topshop và Calvin Klein cũng đang cố gắng để tránh lỗ. Còn giới quan sát dự đoán nhiều thương hiệu phương Tây sẽ sớm biến mất ở Nga.
Xu hướng này đã bắt đầu và lạm phát đã gần chạm mức 10% - khả năng sẽ đạt ngưỡng 15% trong những tháng tới. Xu hướng này cũng sẽ đánh vào sức mua của người Nga.
Trong năm qua, đồng rouble đã mất gần 50% giá trị so với đồng USD. Các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhập khẩu đang dần trở nên xa xỉ. Ngay cả các ngân hàng trung ương cũng ước tính nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng âm 5% trong năm tới, nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại.
"Sự việc đã lan rộng một cách nhanh chóng và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tiền tệ đang lan tới lĩnh vực ngân hàng", William Jackson - nhà kinh tế phụ trách thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết.
Lĩnh vực tài chính của Nga đặc biệt dễ bị tổn thương, do các ngân hàng quốc doanh kiểm soát khối tài sản kếch xù. Còn các tổ chức nhỏ hơn lại không thể huy động vốn ở phương Tây do lệnh trừng phạt.
Đầu tuần trước, ngân hàng trung ương đã công bố các biện pháp đảm bảo sự sống còn bằng cách cải thiện việc tiếp cận thanh khoản và nởi lỏng các tiêu chuẩn kế toán. Đến cuối tuần, Nga cũng thông qua một dự luật hỗ trợ 1.000 tỷ rouble cho các ngân hàng. Bộ Tài chính cũng đang hy vọng sẽ vốn trong các ngân hàng lên thêm 13% và các khoản vay lên 15%.
Đối với nhiều người Nga, vòng xoáy đi xuống của đồng rouble đã gợi nhắc về những kỷ niệm của cuộc khủng hoảng năm 1998, khi nước Nga lâm vào tình trạng vỡ nợ. "Mọi người đang hành xử như thể đó là năm 1998. Nhưng Nga lúc đó là một đất nước bị phá sản và tình hình tài chính của họ giờ khá hơn nhiều", Weafer nói.
Giá dầu cao trong thập kỷ qua đã cho phép Moscow nâng lượng dự trữ ngoại tệ lên đáng kể. Ngay cả sau khi đã phải chi rất nhiều để hỗ trợ đồng rouble, dự trữ vẫn còn khoảng 400 tỷ USD. Nợ công hiện trên 10% GDP, ngân sách vẫn cân bằng và Chính phủ có một quỹ lớn dành cho các trường hợp khẩn cấp để duy trì chi tiêu.
Hồng Quân