Về mặt địa lý, bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có một điểm đối chân (antipode) nằm phía bên kia địa cầu, nối với nhau bằng một đường thẳng đi qua trung tâm của trái đất. Ví dụ, Mỹ có điểm đối chân tại Ấn Độ Dương, Tây Ban Nha có điểm đối chân là New Zealand.
Thái Bình Dương rộng lớn đến mức một số phần của nó có điểm đối chân vẫn thuộc chính đại dương này. Từ vịnh Bắc bộ, nếu đào một đường hầm xuyên thẳng qua tâm trái đất, sang đến bên kia địa cầu bạn sẽ thấy mình đang ở ngoài khơi Chile, thuộc Thái Bình Dương.
Một điểm khác tương tự là vịnh Thái Lan, với điểm đối chân là bờ biển Thái Bình Dương của Peru. Nhưng nếu bơi ở vịnh Thái Lan, bạn chỉ cách Ấn Độ Dương khoảng 80 km. "Điều này có chút 'ăn gian' khi tính vùng vịnh này là một phần của Thái Bình Dương", báo Mỹ viết.
Nhiều bản vẽ chia Thái Bình Dương thành hai nửa và đặt sang hai bên của bản đồ thế giới, nhưng thực tế nó gần như chiếm trọn bán cầu nước (water hemisphere) của trái đất. Khi Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) bay qua vùng French Polynesia (Polynesia thuộc Pháp), nếu một phi hành gia nhìn xuống họ sẽ thấy hình ảnh 360 độ của đại dương này, với một chút rìa của Mexico và Australia. Nhìn từ ngoài không gian, họ sẽ dễ dàng thấy vì sao Thái Bình Dương đôi khi được gọi là "Con mắt xanh khổng lồ" (Big Blue Eye).
Thái Bình Dương rộng bằng khoảng bốn đại dương còn lại gộp vào. Bạn có thể đặt cả 7 châu lục vào Thái Bình Dương mà vẫn còn thoải mái không gian để chèo thuyền hay lặn biển. Đại dương này rộng lớn và trống trải đến mức phía đông nam của nó còn chứa cả Điểm Nemo, cực bất khả tiếp cận của ngành hàng hải - bởi vùng đất liền gần nhất cũng cách nơi này tới gần 2.700 km.
Vịnh Bắc Bộ có diện tích 123.700 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Những hòn đảo nổi bật trong vịnh là Cát Bà, Cô Tô, Quan Lạn... hoặc du khách có thể đi thuyền thăm vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Bảo Ngọc (Theo Condé Nast Traveler)