Trong dự án do Đỗ Thanh Hải đạo diễn, lên sóng năm 2001, Diệu Thảo vào vai Thảo - nữ sinh ở quê lên thành phố thuê trọ để ôn thi đại học. Dù không nhiều "đất" diễn, cô ghi điểm nhờ biểu cảm tự nhiên, gương mặt trong sáng. Nhân dịp các trích đoạn gây sốt trở lại, Diệu Thảo ôn kỷ niệm khi đóng phim và nói về cuộc sống hiện tại.
- Chị nghĩ gì khi vẫn được khán giả nhớ đến sau 23 năm tham gia bộ phim?
- Ở đối diện nhà tôi có một quán nước, bác bán hàng cứ thấy tôi là nói: "Chào Diệu Thảo nhé". Lúc tôi đến gần, bác hỏi: ''Cháu không đóng phim nữa à, ngày xưa bác xem cháu suốt''. Tôi vui khi dự án được đón nhận, nhờ vậy, vai diễn của mình mới để lại dấu ấn với công chúng lâu như thế.
Tôi nhớ thời điểm tham gia phim, chỉ sau một bài phỏng vấn của báo Hoa học trò, rất nhiều khán giả đã gửi thư cho tôi. Mỗi ngày, tôi nhận được hàng xấp, có cả của các anh lính ngoài hải đảo. Ban đầu, bác đưa thư còn gõ cửa gọi ra nhận, về sau bác đã quen nên chủ động gửi vào nhà. Việc nhận thư kéo dài cả năm, đến mức tôi đã có hàng bao tải. Tiếc rằng sau này chuyển nhà, tôi không còn giữ được kỷ niệm đẹp ấy.
Hồi đầu, tôi háo hức hồi âm mọi người nhưng sau này bận học, bị cuốn vào guồng quay công việc nên không thể trả lời hết. Đó cũng là động lực để sau này tôi tiếp tục phấn đấu trên con đường nghệ thuật.
- Nhận nhiều tình cảm như vậy, vì sao chị không tiếp tục theo nghề diễn?
- Tôi biết nếu làm diễn viên sẽ có nhiều cơ hội phát triển, song tôi cần đi học bài bản mới có thể thăng hoa với mọi vai diễn. Tôi quyết định phát triển tiếp chuyên ngành đàn tỳ bà, đồng thời theo đuổi con đường bản thân mơ ước từ nhỏ là trở thành cô giáo.
Để thực hiện mong muốn, tôi không bao giờ xao nhãng việc học. Có những ngày, tôi học trắng đêm. Tôi pha một bình trà đặc để uống, bấu vào tay cho tỉnh. Cuối cùng, tôi tốt nghiệp bằng xuất sắc và được giữ lại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam công tác. Được khán giả biết đến sau bộ phim là điều thuận lợi với tôi, hỗ trợ cho việc giảng dạy nghệ thuật hiện tại. Tôi trân trọng điều đó và cũng cố gắng để công chúng tiếp tục yêu mến mình ở vai trò giảng viên.
Ngày trẻ, quỹ thời gian của tôi không thoải mái như bạn bè cùng lứa khi chỉ học và đi làm. Nếu việc gì được thử sức, có thể kiếm thêm thu nhập, tôi đều nỗ lực. Điều này cũng khiến tôi thiệt thòi, bởi các bạn hỏi ăn chỗ nào, chơi ở đâu, tôi đều không biết. Thế nhưng, tôi hài lòng với lựa chọn này. Tôi độc lập từ bé, đến giờ vẫn vậy và tôi thích điều ấy.
- Chọn cuộc sống độc thân, thích tự làm mọi việc, chị dựa vào ai khi thấy yếu đuối?
- Đôi lúc tôi cũng khá cô độc và tủi thân một chút. Tôi cảm giác lúc nào cũng phải gồng lên lo toan mọi thứ cho cuộc sống của mình lẫn người thân. Tôi tự hỏi đối với một phụ nữ chân yếu tay mềm, điều này có nên không. Nhưng tôi nghĩ mỗi người có một số phận, quan trọng phải luôn nỗ lực.
Tôi từng trải qua đủ cung bậc cảm xúc ở công việc lẫn tình cảm, có lúc tận cùng khổ đau, khi lại thăng hoa. Nhờ vậy, tôi nhìn cuộc đời bao dung, nhẹ nhàng hơn. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi cũng muốn mình có một chỗ dựa để được tiếp thêm động lực, song cảm xúc ấy không kéo dài. Tôi kiểm soát và chủ động được mọi thứ.
Đôi khi tôi khá nam tính nhưng vẫn dịu dàng, thích yêu chiều mọi người. Tôi hướng đến điều tích cực, trách nhiệm với cuộc sống, từ đó yêu bản thân và dần trở nên mạnh mẽ. Hiện tôi sống khá an nhiên. Lúc nào thấy cô đơn, tôi viết nhạc, làm thơ, giãi bày tâm trạng qua câu chữ.
- Chị có dự định gì trong công việc và cuộc sống?
- Hiện tôi muốn tập trung vào sự nghiệp hơn. Tôi đang phát triển dự án đưa âm nhạc dân tộc gần gũi công chúng. Tôi có một kênh YouTube Diệu Thảo tỳ bà, trong đó chú trọng tính giáo dục, nhất là với nhạc truyền thống.
Mỗi tuần, tôi có bốn buổi dạy, thường diễn ra từ sáng đến 19-20h. Ngoài ra, tôi liên tục trau dồi chuyên môn, cộng tác các nhạc sĩ để đem đến nhiều sáng tạo cho bộ môn đàn tỳ bà. Cuộc sống của tôi cứ say sưa như vậy, mở mắt ra là âm nhạc và cuối ngày vẫn tiếp tục làm việc cùng học viên.
Phương Linh