Người gửi: Azuma Sawada
Môn Văn đòi hỏi sự cảm nhận của người học nhưng khi học một bài Văn, học sinh cứ nhất nhất cảm thụ theo một cách nhất định mà không hề có chính kiến riêng của mình.
Em là một học sinh vừa thi đại học xong. 12 năm học Văn trên ghế nhà trường, em thấy một điều: các bài văn nghị luận xã hội không được coi trọng đúng mức, còn các bài phân tích văn học thì lại được đánh giá quá cao.
Khi đi thi, một bài viết nghị luận xã hội được 3 điểm, giới hạn trong 400 - 600 từ. Em thấy điều đó không nên, vì bài nghị luận là thứ cho thấy rõ nhất sự nhận biết, cách hành văn, kiến thức của học sinh. Giải thích một vấn đề xã hội trong 400 - 600 từ là điều gần như bằng 0 vì dung lượng như thế không thể đủ được.
Hơn nữa, cách dạy và cách chấm bài khiến học sinh học văn trở nên thụ động. Viết văn phải theo ý của thầy cô mới điểm cao. Trong khi nghị luận xã hội là câu hỏi không có đáp án đúng hay sai. Mỗi người có một quan điểm riêng, có một cách nhìn nhận riêng không thể đáng giá lệch về một phía.
Trong khi đó, một bài phân tích tác phẩm có thể dài hàng chục trang giấy, nhưng để làm gì. Trong khi ngay cả học sinh cũng có nhiều người đặt câu hỏi: "Không biết khi viết tác giả có nghĩ được như mình phân tích không nữa?"
Một bài thơ ngẫu hứng viết trong phút thăng hoa, hỏi tác giả có đủ hứng để vừa viết vừa ngồi nghĩ được nhiều tới 8 trang giấy thi không nữa.
Những bài văn học trong chương trình dạy ở trường, đều lệch. Bình văn quá dài nhưng các kỹ năng viết thì được dạy quá ít. Học Văn như học thuộc lòng ý của giáo viên. Học như vậy thì cũng chỉ là kiến thức dập khuôn, điều kỵ nhất trong văn học là sự "dập khuôn cũ kỹ".
Học sinh, hãy hiểu đó là những người thực sự rất năng động sáng tạo, cách dạy "cứ y lời thầy mà làm" không phù hợp nữa. Nó chỉ tạo nên những con người "kiểu mẫu sống dập khuôn hệt như một dây truyền công nghiệp". Như thế không phải là đã thui chột sự sáng tạo quý giá của những thế hệ trẻ hay sao?