![]() |
Cá heo biết nhại âm thanh ồng ộc phát ra từ bộ áo lặn khi thợ lặn trồi lên khỏi mặt nước. |
Loài sâu biết rung cành lá đuổi đối thủ, chim sẻ ngô truyền cho nhau kỹ thuật bật nắp chai, khỉ macaque bắt chước bạn dầm khoai nhạt vào nước muối, hay nhện đối thoại với bạn tình bằng sóng âm gửi qua dây tơ... Các nghiên cứu mới đây cho thấy, trí khôn của các loài, tuy ở nhiều hình thái khác nhau, đều là vô hạn.
Trong một nghiên cứu trên nhộng của loài bướm Drepanaarcuta, nhà khoa học Jayne Yack và cộng sự ở Đại học Carleton (Canada), đã phát hiện thấy cách thức giao tiếp khá thông minh giữa những con nhộng: Ở loài bướm này, mỗi con nhộng xây dựng riêng cho mình tổ ấm trên một lá khác nhau, bằng cách dệt những sợi tơ để kéo các đầu lá cây xuống viền quanh thân nó. Trong cái tổ ấy, nhộng ta tránh được mưa, gió, cũng như náu mình trước cái nhìn soi mói của bọn săn mồi. Một khi cái lá đầu tiên được xơi sạch sẽ, nó sẽ tìm sang chiếc lá khác và công việc xây tổ lại bắt đầu, cứ thế cho đến khi lột xác thành bướm.
Nhưng, trong cái thế giới tàn nhẫn này, luôn có những kẻ lười biếng tìm cách chiếm đóng lãnh thổ của kẻ khác. Để tống khứ chúng, chủ nhân sẽ rung mạnh cành lá, và vị khách không mời sẽ phải e dè trước kích cỡ và sức mạnh của đối thủ mà bỏ đi. “Trước đây, chúng ta nghĩ rằng loài sâu chẳng biết làm gì ngoài chuyện ăn uống. Nhưng giờ đây, chúng ta biết rằng còn có những mối tương tác hết sức phức tạp giữa những côn trùng này”, Yack nói. Và ông cho rằng, điều gì đúng với những ấu trùng thì cũng đúng với động vật chân khớp và động vật có xương sống.
Ở đẳng cấp cao hơn sâu, người ta tìm thấy những kiểu trí khôn độc đáo hơn trên các loài động vật khác. Một con chim sẻ ngô xanh, vào một buổi sáng đẹp trời năm 1920 ở Anh, đã biết đánh mỏ một vòng để làm bật nắp chai sữa được đặt trước cửa một ngôi nhà ở nông thôn. Vài tuần sau, kỹ thuật của nó đã được tất cả những con chim sẻ ngô xanh trên khắp đất Anh tiếp thu và thi đua truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở một thí nghiệm khác, con quạ Betty (Pháp) đã biết tạo ra công cụ và sử dụng công cụ này để câu thức ăn. Trong khi đó, những con rái cá không khó gì mà khui được nắp chai bia và sử dụng nó như một cây dùi cui. Con bạch tuộc dùng 50 triệu tế bào thần kinh cũng như nhiều cánh tay của nó để khéo léo gắp ra một con cua được nhốt trong một cái lọ, bằng cách sử dụng các xúc tu để vặn nút chai ra. Trên đảo Koshima, năm 1953, những con khỉ macaque đua nhau bắt chước một con cái tên là Imo, nhúng khoai nhạt vào trong nước muối.
Nhà tập tính học Boris Cyrulnik nhận xét: “Thú vật được văn minh hóa rõ ràng là thông minh hơn thú vật hoang dã”. Tuy nhiên, Thierry Aubin, chuyên gia về tập tính giao tiếp âm thanh tại Trung tâm nghiên cứu CNRS (Pháp), phủ nhận giả thuyết cho rằng việc giao tiếp với con người có tác dụng làm nảy nở trí khôn nơi thú vật. Ông khẳng định môi trường tự nhiên chính là môi trường tuyệt vời nhất: “Không vì thú nuôi trong nhà giao tiếp với chúng ta thường xuyên hơn và chúng ta hiểu chúng rõ hơn mà cho rằng chúng thông minh hơn. Trong thế giới hoang dã, bọn học trò lười nhác sẽ chẳng có bất kỳ cơ hội nào khác. Chính vì thế, con non bắt buộc phải học tập, nếu không chúng sẽ không thể tồn tại”.
Thierry Aubin cũng nói thêm: “Tôi nghĩ rằng sự thuần hóa sẽ khiến cho con vật thành ra hơi ngu đần. Chó sói tinh ranh hơn chó nhà: nó có lẽ không sủa, nhưng lại có một thang độ tiếng gầm gừ vô cùng phong phú, đi từ sự đe dọa đến quyến rũ”.
Giao tiếp theo những cách đặc biệt
Nếu như tự nhiên ban cho con người lời nói thì động vật cũng được hưởng ân sủng đó, nhưng theo một cách khác. Chúng chẳng thiếu gì cách để thể hiện mình, qua râu, màng nhĩ hay chậm chí là chân. Bectrand Frafft, ở Đại học Henri Poincaré (Pháp), đã nghiên cứu các thông điệp tìm kiếm bạn tình của những con nhện cô độc qua mạng: Bằng việc gõ lên các sợi tơ, nhện đực gửi đi các sóng dưới dạng những "câu", tách thành các âm tiết rõ ràng dài khoảng chục miligiây và xen kẽ là những quãng im lặng. Con cái nhận các dữ liệu này qua các chân và sẽ trả lời với những rung động tích cực, nếu đồng ý. Tuy nhiên, trước khi tiếp cận đối phương, “chàng” nhện sẽ phải củng cố hậu cứ của mình, đồng thời dò la để biết chắc rằng mình không gặp phải một ả giang hồ muốn làm thịt bạn tình! Cuộc “đối thoại” bằng các sóng âm qua dây tơ sẽ giúp nó đánh giá xem vị hôn thê kia có đúng là cùng loài với mình không, trong số 35.000 loài nhện khác. Các nghiên cứu về những tín hiệu âm thanh này cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa giới tính và loài.
(Còn nữa)
(Theo Kiến thức Ngày nay)