Trong văn bản trả lời báo chí hôm 17/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chưa có văn bản cho phép Đại học Đông Đô (Hà Nội) được đào tạo văn bằng 2 do chưa nhận được đề nghị cấp phép của trường. Vậy để được cấp phép đào tạo văn bằng 2, trường đại học cần đáp ứng những điều kiện gì?
Quyết định số 22 năm 2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (văn bằng 2) nêu rõ:
- Việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
- Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Đại học, nay là Vụ Giáo dục đại học, Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc đại học).
Trong văn bản, trường cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, quy mô hệ chính quy đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.
- Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện (các đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc).
Sau khi nhận chỉ tiêu đào tạo bằng đại học thứ hai, hiệu trưởng xác định số lượng tuyển sinh bằng thứ hai cho từng ngành đào tạo của trường và thông báo kế hoạch tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 2 tháng trước thời điểm tuyển sinh.
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây