Ý kiến được đại diện các công nhân làm việc ở quận 7 nêu tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi và các đại biểu Quốc hội TP HCM, chiều 6/5. Đây là buổi tiếp xúc chuyên đề do Liên đoàn lao động thành phố phối hợp tổ chức để nghe ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Nhà ở.
Chị Trần Thị Hồng Phượng, công nhân Công ty Dịch vụ công ích quận 7, nói quy định lao động có thu nhập không phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được hỗ trợ mua nhà ở xã hội là không phù hợp thực tế. Bởi muốn mua nhà phải có tích lũy nhưng thu nhập quá 11 triệu đồng mỗi tháng, ngưỡng chịu thuế, thì lại bị loại. "Ngay cả công nhân độc thân, 11 triệu đồng đã thuộc nhóm không dư dả ở thành phố bởi chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt", chị nói.
Nữ công nhân này cũng cho rằng quy định chỉ có lao động, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp mới được hưởng chính sách hỗ trợ nhà lưu trú, nhà ở xã hội "là chưa công bằng, không thỏa đáng". "Tại sao lại có sự phân biệt như vậy. Công nhân làm việc ở đâu thì cũng cần có chỗ ở ổn định", chị Phượng nói.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất TP HCM, nói khi nghe thông tin ngân hàng nhà nước triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, công nhân mua nhà ở xã hội, cán bộ công đoàn rất vui. Tuy nhiên, công nhân rất khó tiếp cận. Hỏi thì ngân hàng đề nghị công nhân ra tận nơi để tìm hiểu.
Bên cạnh đó, theo bà Vân, gói vay không phù hợp với đại đa số công nhân. 75% công nhân làm việc trong khu chế xuất là người ngoài tỉnh. Một căn hộ nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỷ đồng, công nhân phải trả trước 50%. Nếu áp quy định chỉ người thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế mới được xét mua nhà xã hội thì những người này lấy nguồn ở đâu tích lũy tiền để trả trước. Chưa kể, 50% số tiền còn lại được vay lãi suất 8,2% mỗi năm là quá cao.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói trong chương trình phát triển một triệu căn hộ nhà ở xã hội, Chính phủ giao thành phố 69.000 căn nhưng kế hoạch trước đó của địa phương là 83.000 căn, cao hơn mức trung ương giao. Khi thực hiện, thành phố sẽ chú ý đến các nhóm được tiếp cận nhà ở xã hội.
Theo ông Mãi, sắp tới, địa phương sẽ nghiên cứu để có các chương trình bình ổn giá nhà trọ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng rà soát quỹ đất, chọn các vị trí gần khu công nghiệp để phát triển nhiều loại nhà ở. Trong đó, thành phố tính đến phương án xây dựng nhà tiền chế sử dụng 10-20 năm, khi hết nhu cầu sẽ dời đi. "TP HCM cũng sẽ làm việc các lãnh đạo ngân hàng, đề nghị có chính sách cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi với công nhân lao động có thu nhập tương đối tốt", ông Mãi nói.
Theo chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 37 triệu m2 sàn với khoảng 93.000 căn. Trong đó, chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Hiện, thành phố có 6 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với tổng nguồn cung 3.925 căn nhưng không có dự án nào được bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Lê Tuyết