Ở nước ngoài, nếu khách hàng là người có công việc và mức thu nhập ổn định thì có thể xin xác nhận của công ty để được ngân hàng phát hành thẻ tín dụng, mà không cần mở tài khoản tiền gửi ở ngân hàng đó. Ngân hàng sẽ căn cứ thu nhập của khách hàng để phát hành thẻ với 1 hạn mức tín dụng nhất định, tức là số tiền tối đa mà khách hàng có thể sử dụng trong 1 kỳ hạn (thường là 1 tháng).
Tại Việt Nam các hình thức mở thẻ tín dụng có khác hơn. Thông thường có 2 hình thức: Mở thẻ tín chấp và thế chấp.
Hình thức mở thẻ tín chấp được áp dụng với những cá nhân có uy tín, tùy theo tiêu chuẩn do ngân hàng quy định. Eximbank cung cấp hình thức này cho các giáo sư, giảng viên Đại học, bác sĩ, nhân viên ngân hàng, doanh nhân, cán bộ, công nhân viên chức…) có thu nhập hợp pháp, ổn định. Trong khi Vietcombank chỉ cấp thẻ theo hình thức tín chấp cho những khách hàng có khả năng tài chính cao và có uy tín đối với ngân hàng, ví dụ như: ác lãnh đạo doanh nghiệp… Các ngân hàng khác đưa ra tiêu chuẩn về mức thu nhập (thông thường từ 4 triệu đồng), thời gian công tác, nơi cư trú…
Hình thức thế chấp khi mở thẻ tín dụng được áp dụng rộng rãi hơn cho các đối tượng khách hàng có tài sản bảo đảm là tiền mặt ký quỹ hoặc sổ tiết kiệm hay các tài sản đảm bảo khác. Những tài sản thế chấp này nhằm mục đích tránh rủi ro cho ngân hàng nếu khách hàng không thanh toán số tiền đã chi tiêu trong thẻ tín dụng. Nếu ký quỹ tại ngân hàng phát hành thẻ thì khách hàng được hưởng lãi trên số tiền ký quỹ tương đương với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.
Như vậy thẻ tín dụng tại Việt Nam nhắm vào đối tượng những người có thu nhập khá và ổn định, có nhu cầu tiêu dùng và sử dụng những dịch vụ tiện ích cao. Đối với những viên chức làm việc trong thành phố, thường xuyên mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị hoặc mua sắm trục tuyến thì sử dụng thẻ tín dụng giúp tiết kiệm thời gian, an toàn và mang lại nhiều lợi ích.
(Nguồn: OnePAY)