Dưới đây là những điều các chuyên gia tâm lý khuyên không làm sau khi cãi với bạn đời.
Coi thường nhu cầu không gian riêng của người kia
Thạc sĩ tâm lý học ở Los Angeles, Mỹ, Michal Braker cho rằng bạn đời chỉ thực sự thoải mái diễn đạt và thể hiện nhu cầu cảm xúc của mình khi ở trong không gian phù hợp.
Vì vậy, sau cuộc cãi vã, nên tôn trọng không gian riêng của anh/cô ấy, để đối phương có thời gian lắng nghe bản thân mình, bình tĩnh suy xét mọi thứ một cách tổng thể và có chiều sâu.
Tâm lý ''được ăn cả ngã về không''
Trong lúc cãi vã, chúng ta dễ rơi vào lối suy nghĩ tiêu cực. Bạn thường lao vào như chiến đấu với tâm lý hơn thua, muốn giành phần thắng cho bằng được. Tuy nhiên, cần hiểu, mục đích của đối thoại và tranh cãi không phải để chiến thắng mà là để tìm ra hướng giải quyết cho xung đột.
Theo Tiến sĩ Megan Flemming, nhà tâm lý học lâm sàng và nhà trị liệu tình dục (Đại học Drexel, Mỹ) sử dụng các thuật ngữ như "Em/anh luôn luôn...'' hoặc "Anh/em không bao giờ..." chỉ nhằm mục đích hạ bệ đối phương, thiếu tinh thần xây dựng.
Cần lùi lại khi mọi thứ đã lắng xuống, nhìn nhận quan điểm của đối tác và thảo luận giải pháp.

Ảnh minh họa:ettoday
Để bụng những lời bạn đời nói lúc cãi vã
Những gì bạn đời nói trong cuộc cãi vã khiến bạn khó chịu, phải bày tỏ ngay tại thời điểm đó. Nếu ngày hôm sau vẫn bực bội, hãy hít thở sâu, đừng mang ra tranh cãi tiếp.
''Việc thảo luận quá sớm sau cuộc tranh cãi về cùng một vấn đề thường không giải quyết được xung đột'', Miccelle Golland, nhà tâm lý học lâm sàng ở Los Angeles, Mỹ, nói.
Chiến tranh lạnh
Thảo luận về chủ đề gây tranh cãi quá sớm là không nên nhưng chuyển sang chiến tranh lạnh quá lâu cũng không ổn.
Chiến tranh lạnh xảy ra có thể do cả hai đang ở thế bế tắc, khi những cảm xúc chưa được giải quyết hoặc không bên nào muốn nhượng bộ hay giao tiếp để tìm giải pháp.
Theo nhà tâm lý học Braker, các cặp vợ chồng nên áp dụng công thức: Nếu đang sống chung, hãy kết nối lại sau 6-12 giờ kể từ khi cãi vã hoặc vào giờ ăn tiếp theo cùng nhau. Với những người không sống chung, nên kết nối sau 24 giờ.
Giải thích cho việc cãi vã
Có hàng triệu thứ bạn có thể đổ lỗi cho một cuộc cãi vã như một ngày làm việc tồi tệ, cơn đau đầu, đêm mất ngủ. Trên thực tế, một nghiên cứu của đại học California Berkeley phát hiện những đôi không ngủ đủ giấc thường cãi nhau nhiều hơn.
Tuy nhiên, đổ lỗi cho nhau là không công bằng với bạn hoặc đối tác. Nếu tức giận, buồn bã hoặc bị tổn thương, nên nói cho đối phương biết.
Golland khuyên lần tới, nếu có một ngày làm việc tồi tệ, hãy gửi tin nhắn cho bạn đời trước khi về nhà. Lúc đó, đối phương sẽ để hiểu cho những phản ứng của bạn và tránh được tranh cãi.
Bỏ đi nếu đối phương tiếp tục tranh cãi
Luôn có ít nhất hai tâm trí, hai trái tim và hai góc nhìn cho mọi mối quan hệ, tranh cãi, bất đồng và xung đột. Vì vậy, cần nhiều cuộc trò chuyện để giải quyết bất đồng.
Có thể bạn muốn hòa thuận, nhưng người kia vẫn chưa thoải mái. "Hãy để họ nhắc lại bất cứ điều gì họ muốn, trong bao lâu tùy thích'', Barker nói và cho rằng lý do họ nhắc lại vì có những điều muốn được làm rõ, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Vì vậy, hãy cởi mở và thấu hiểu, cho bạn đời cơ hội cảm thấy được lắng nghe.
Dùng chuyện tình dục thay thế thảo luận về cảm xúc
Quan hệ tình dục bù đắp sau cãi vã và tổn thương thường mang lại cảm giác thú vị và thỏa mãn hơn cả giai đoạn trăng mật, đặc biệt nếu ngôn ngữ của một hoặc cả hai là sự đụng chạm. Theo Barker, đó thực sự là một cách kết nối lại, thấy gần gũi hơn sau những bất đồng.
Tuy nhiên, quan hệ tình dục bù đắp không thay thế cho cuộc trò chuyện. Vẫn sẽ có những cảm xúc chưa được giải quyết và vết thương tình cảm chỉ được xử lý triệt để bằng cách nói chuyện. ''Nếu vậy, tình dục chỉ là trì hoãn nhu cầu nói chuyện và giải quyết vấn đề'', Barker nói.
Tập trung vào nguyên nhân gây chiến
Năng lượng của bạn được sử dụng tốt hơn vào các giải pháp cho vấn đề. Giả sử vợ/chồng quên mang tiền mặt đến sự kiện chỉ chấp nhận tiền mặt. Bạn cãi nhau về chuyện đó, nhưng rồi lại đến máy ATM để rút tiền. Hãy tận hưởng buổi tối thay vì nhớ lại lỗi của đối tác.
Sự khác biệt giữa cãi vã tồi tệ và tranh luận tốt đẹp là bạn có tìm ra giải pháp hay không.
Hoặc nếu đối phương hay quên, hãy nói ''Em thấy dạo này anh không mang nhiều tiền mặt. Có chuyện gì thế?'', như vậy sẽ ít phán xét hơn so với nói ''Lại thế nữa rồi!''.
Nhật Minh (Theo Womansday)