Cách đây hơn 4000 năm, vào năm 800 trước Công nguyên, một thầy thuốc người Ấn Độ đã sử dụng vạt da để tái tạo mũi cho một bệnh nhân và các tài liệu y văn thế giới đều coi đó là mốc thời gian mở đầu cho lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của loài người. Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và y học nói riêng, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nhanh chóng áp dụng kịp thời các thành tựu của các lĩnh vực y học khác.
Phẫu thuật tạo hình là công việc của những người thầy thuốc ngoại khoa nhằm tái tạo một bộ phận nào đó của cơ thể bị mất (do chấn thương bệnh tật hoặc bẩm sinh) vì mục đích phục hồi chức năng, như nối lại tay chân đứt lìa do chấn thương, vá khe hở môi trong chỉnh hình hàm mặt... Nếu phẫu thuật nhằm chỉnh sửa một bộ phận cơ thể nào đó vì mục đích thuần túy làm đẹp như nâng cao sống mũi, tạo mắt hai mí... thì gọi là phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Ở Việt Nam người ta vẫn quen gọi phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ một cách không đầy đủ là phẫu thuật thẩm mỹ hay giải phẫu thẩm mỹ. Hiện nay trong các văn bản pháp quy và trong các tài liệu chuyên môn thường sử dụng tên gọi phẫu thuật thẩm mỹ. Do điều kiện chiến tranh và chia cắt đất nước, sự phát triển của y học nói chung và lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nói riêng có những bước phát triển khác nhau trong hoàn cảnh xã hội khác nhau ở hai miền Nam Bắc.
Theo giáo sư Nguyễn Bắc Hùng, ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã thực hiện một số phẫu thuật tạo hình như khe hở môi và làm vạt da đơn giản nhưng còn lẻ tẻ và chưa hề có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình cả trong thực hành và đào tạo. Từ 1946, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngành y, nhất là quân y đã áp dụng một số kỹ thuật tạo hình để điều trị vết thương và di chứng.
Sau năm 1954, ở miền Bắc với sự giúp đỡ của các nước Đông Âu, cơ sở chuyên khoa phẫu thuật tạo hình đã được thành lập ở một số bệnh viện lớn như Việt – Đức, Quân đội 108... và một số bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa tạo hình ở các nước. Trong số đó có sự đóng góp hàng đầu của Bệnh viện 108 dưới sự dẫn dắt của giáo sư Nguyễn Huy Phan, từng đào tạo chuyên sâu tại Liên Xô. Ông đã tổ chức thực hiện nhiều kỹ thuật tạo hình phức tạp về kỹ thuật và giàu ý nghĩa nhân văn như phương pháp tạo hình dương vật một thì cho thương binh gây tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.
Ở miền Nam, từ những năm 1960, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình đã được xây dựng với sự giúp đỡ của các bác sĩ Mỹ. Theo phó giáo sư Lê Hành, Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình đầu tiên đã được thành lập ở Bệnh viện Chợ Rẫy từ cuối thập kỷ 60 chủ yếu giải quyết các vết thương chiến tranh và di chứng, điều trị các dị tật bẩm sinh. Những cơ sở làm đẹp đầu tiên theo mô hình Thẩm mỹ viện đã ra đời từ những năm 1960 với các kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ phổ biến là nâng mũi, cắt mí mắt... và các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Các kỹ thuật làm đẹp cũng được du nhập và sử dụng phong phú hơn như xăm thẩm mỹ, bơm silicone, căng da mặt... Từ sự phát triển đó một hiệp hội nghề nghiệp đầu tiên của các bác sĩ thẩm mỹ miền Nam đã ra đời với tên gọi Hội Giải phẫu Thẩm mỹ Việt Nam do bác sĩ Nguyễn Đăng Các làm Tổng thư ký.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ngành phẫu thuật tạo hình không chỉ tập trung giải quyết di chứng chiến tranh mà còn nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật mới để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ làm đẹp ngày càng cao. Giáo sư Nguyễn Huy Phan lại cũng là người đầu tiên triển khai các kỹ thuật như nâng mũi, cắt mí mắt, nâng ngực, tạo hình thành bụng... rất thành công tại Bệnh viện 108. Ông cũng là người tổ chức và lãnh đạo đầu tiên của ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam, là người tổ chức và dẫn dắt Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình đầu tiên tại ĐH Y Hà Nội.
Tiếp theo đó Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Da Liễu Trung ương cũng trở thành những trung tâm hàng đầu của ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Một số chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ cũng ra đời trong các bệnh viện tư như Bệnh viện Thu Cúc, Hồng Ngọc… cùng với sự bùng nổ dịch vụ làm đẹp của hàng loạt thẩm mỹ viện, trong đó có 30 cơ sở được phép phẫu thuật thẩm mỹ.
Ở phía Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn, bác sĩ Võ Văn Châu đã thành công trong việc nghiên cứu ứng dụng nhiều kỹ thuật vi phẫu thuật nối ghép mạch máu thần kinh. Đồng thời nhiều đơn vị chuyên khoa phẫu thuật tạo hình ở một số bệnh viện lớn cũng được thành lập. Từ 1975 cho đến cuối những năm 1980, các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ ở TP HCM được giao cho ngành văn hóa cấp phép và quản lý nên cung cách hoạt động có vẻ ngoại đạo với ngành y tế.
Đến năm 1989 có một bước ngoặt khi các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ được đưa trở lại dưới sự quản lý của Sở Y tế. Đầu những năm 1990, các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ được nâng cấp thẩm định và cấp giấy phép bởi Bộ Y tế. Các bác sĩ thẩm mỹ cũng được đào tạo chuyên khoa chính thức. Các cơ sở phẫu thuật tạo hình chính thống của hệ thống y tế công cũng lần lượt ra đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y dược TP HCM....
Bên cạnh đó là làn sóng ra đời của các Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại các bệnh viện như Trưng Vương, Bình Dân, An Sinh, Nguyễn Tri Phương... và các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ như Bệnh viện Sài Gòn, Thanh Vân…, các mô hình bệnh viện ban ngày như Bệnh viện Văn Lang, Việt Mỹ, Á Âu... Hiện nay tại TP HCM có 80 cơ sở có giấy phép phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đang hoạt động. Hội nghề nghiệp của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ra đời với tên gọi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM. Tiếp theo đó là sự ra đời của Hội Phẫu thuật Tạo hình TP HCM, Hội Phẫu thuật Tạo hình Hà Nội.
Sự giao lưu thường xuyên và ý thức tự học hỏi đã giúp cho các phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ Việt Nam bước đầu làm chủ những kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ tiên tiến. Các báo cáo khoa học cho thấy tỷ lệ thành công và thất bại kể cả tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam và thế giới là hoàn toàn tương đương.
Bác sĩ Cao Ngọc Bích
Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM