Bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) và 27 đồng phạm sẽ bị TAND TP HCM đưa ra xét xử về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 8/5.
Đại gia Sáu Phấn bị cáo buộc lợi dụng quyền chi phối (85% cổ phần Đại Tín) chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt sai phạm dẫn đến gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng của ngân hàng này.
Tuy nhiên, hai ngày trước khi bị khởi tố bà này nhập viện. Công an nhiều lần đến lấy lời khai nhưng nữ đại gia luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".
Có thể xét xử vắng mặt bà Sáu Phấn
Phó chánh tòa Hình sự TAND TP HCM cho biết, theo luật, tòa được quyền xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp người này đang trốn truy nã, không xác định được nơi cư trú, hoặc bản thân họ xin xử vắng mặt. Trong bất kỳ vụ án nào, lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội. HĐXX còn căn cứ vào chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ; lời khai của nhân chứng, bị can khác... để xem xét toàn diện vụ án. Do đó, tòa có thể xử vắng mặt nếu bị cáo không thể đến tòa vì lý do bất khả kháng.
"Trường hợp bà Phấn là người giữ vai trò cầm đầu trong một đại án có tính chất phức tạp, việc vắng mặt của bị cáo sẽ ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, HĐXX có quyền tiến hành hoặc dừng phiên tòa", ông nói.
Nếu có nghi vấn về sức khỏe của bà Phấn, toà sẽ thành lập hội đồng, giám định lại tình trạng sức khỏe của bị cáo một cách độc lập. Từ đó, tòa quyết định có hay không triệu tập bằng được bị cáo.
Cùng quan điểm, song nữ kiểm sát viên VKSND TP HCM đánh giá, nếu tòa xử vắng mặt bà Phấn sẽ gây khó khăn nhất định. Với chức năng của mình, VKS sẽ giám sát từ lúc bắt đầu phiên tòa và có ý kiến khi cần thiết, hoặc kiến nghị áp dụng mọi biện pháp để triệu tập bị cáo, người liên quan, nhân chứng… ra tòa nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật.
"Có thể trong ngày đầu bà Phấn bị buộc phải đến tòa để làm thủ tục, trong sự chăm sóc của bộ phận y tế, giống như trường hợp vừa xét xử đại án Phạm Công Danh. Tuy nhiên, nếu sức khỏe bị cáo quá yếu, phải nằm giường chẳng hạn, mà tòa buộc phải đến sẽ tạo ra hình ảnh phản cảm không cần thiết", kiểm sát viên nói.
Luật sư đề nghị tạm đình chỉ
Là một trong 4 người bảo vệ bà Phấn, luật sư Lưu Văn Tám nói rằng, sức khỏe của thân chủ rất khó để tham gia phiên tòa, giống như lần xét xử vụ án OceanBank, Phạm Công Danh dù bà Phấn liên quan. Hay tại phiên phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm đang diễn ra, bà Phấn là người kháng cáo mà không thể có mặt.
"Nếu TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử trong tình trạng sức khỏe bà Phấn không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo, không đảm bảo tính chặt chẽ về tố tụng. Bởi các bên liên quan có thể đưa ra những cáo buộc, quan điểm bất lợi mà bà ấy không thể thực hiện quyền tự bào chữa", ông Tám nêu quan điểm.
Theo luật sư, trong trường hợp này cơ quan tố tụng nên tạm đình chỉ vụ án, tương tự như trường hợp cựu Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá trong vụ án Bầu Kiên trước đây.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ, bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Phấn) đã gửi văn bản kiến nghị xin hoãn phiên tòa do bị cáo được dự sinh trong khoảng thời gian TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử.
"Việc đưa bị cáo ra xét xử trong điều kiện như vậy sẽ không đảm bảo về sức khỏe, quyền lợi của bị cáo đang mang thai, hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi", bà Thảo nói.
Hải Duyên