Harrison Murray, phi công của cho một hãng bay thương mại, chia sẻ trên TikTok về những mối nguy hiểm hành khách phải đối mặt khi cửa sổ máy bay bị vỡ giữa không trung.
Khi đó, trên cabin máy bay sẽ xảy ra hiện tượng giảm áp nhanh chóng, nhằm cân bằng áp suất trong cabin và ngoài máy bay. "Nếu một cửa sổ bật tung, bạn sẽ nhanh chóng nghe thấy rất nhiều tiếng ồn, nhiệt độ giảm, bạn sẽ nhìn thấy sương mù trong cabin và khó chịu", Murray nói.
Khi sự cố xảy ra, hành khách có khoảng thời gian 30-90 giây để đeo mặt nạ dưỡng khí. Nếu không kịp làm điều này, họ sẽ bị thiếu oxy trong máu, dẫn đến buồn nôn, chóng mặt và bất tỉnh. Để xử lý tình huống, phi công sẽ tìm cách hạ cánh khẩn.
Video của Murray thu hút gần 420.000 view, phần lớn người xem quan tâm rằng liệu hành khách có bị hút ra khỏi máy bay như trong phim hay không. Thực tế, máy bay thương mại được thiết kế với cabin điều áp, có áp suất tương đương áp suất không khí ở độ cao 2.400-3.000 m. Do đó áp suất trong cabin không đổi ngay cả khi máy bay lên độ cao 9.100-13.700 m. Càng lên cao áp suất bên ngoài máy bay càng giảm, không khí càng loãng. Áp suất bên ngoài thấp hơn nhiều so với bên trong máy bay. Vì vậy khi cửa máy bay mở, hành khách và đồ vật có thể bị hút ra ngoài.
Một tai nạn liên quan đến cửa sổ máy bay vỡ từng xảy ra vào năm 2018, gây chấn động ngành hàng không. Trên chiếc Boeing 737 mang số hiệu 1380 của Southwest Airlines, động cơ phát nổ đã làm vỡ cửa sổ ở độ cao 10.000 mét trên vùng trời New York, Mỹ. Một hành khách bị hút ra ngoài và tử vong, 7 người bị thương.
Dù vậy, Murray trấn an rằng sự cố này hiếm khi xảy ra. Theo tạp chí Air And Space, mỗi chiếc máy bay đều có thể cung cấp cho hành khách lượng oxy trong thời gian đủ để phi công hạ độ cao xuống khoảng 2.400-3.000 m - mức chúng ta có thể thở bình thường, không cần mặt nạ dưỡng khí.
Anh Minh (Theo Sun)