![]() |
Chim Ruffs đực to khoảng gấp đôi con cái. |
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh trên chim biển cho thấy sự khác biệt về hình thể giữa con đực và con cái của cùng một loài đều nhằm mục tiêu tranh đấu để có bạn tình. Phát hiện này là lời giải thích đầu tiên về một quy luật đã được nhà khoa học người Đức Bernhard Rensch xác định hơn 40 năm qua.
Quy luật của Rensch, như người ta vẫn gọi, cho rằng tỷ lệ kích cỡ giữa hai giới có liên quan tới kích thước cơ thể, với rất ít ngoại lệ trong thế giới động vật. Nếu một loài nhìn chung đã có thân hình to lớn, thì con đực của loài đó sẽ lớn hơn nhiều so với con cái và ngược lại. Chẳng hạn, gorilla đực lớn hơn nhiều so với gorilla cái, trong khi chuột đực chỉ nhỉnh hơn một chút so với các nàng trong bầy.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Bath, Oxford và Đông Anglia đã phân tích những số liệu phức tạp về hành vi kết đôi, kích cỡ cơ thể và sinh thái học của hơn 100 loài chim biển khác nhau trên khắp thế giới.
Họ tìm thấy ở những loài chim lớn, cuộc ganh đua để kiếm bạn tình giữa các con đực thường quyết liệt hơn và kích cỡ lớn sẽ là lợi thế vì chúng đánh nhau trên mặt đất. Sự tiến hóa đó dẫn tới kết quả là con đực của loài Ruffs - một loài chim biển lớn - bự con gấp đôi con mái.
Với những loài nhỏ hơn, chẳng hạn Dunlin, các cuộc chiến thường xảy ra trên không, và khi đó sự nhanh nhẹn, nhỏ nhắn sẽ là yếu tố quan trọng. Kết quả là giống đực của loài Dunlin nhỏ hơn so với "người đẹp". Công trình chỉ được thực hiện trên chim biển, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng đặc điểm này xuất hiện trên mọi loài trong vương quốc động vật, từ chuột nhắt cho tới linh trưởng.
"Chúng tôi biết về quy luật của Rensch trong nhiều năm, nhưng không có bằng chứng về điều đã tạo ra quy luật đó. Nhiều nhà sinh học giả định rằng chọn lọc sinh sản có thể là câu trả lời hợp lý nhất, nhưng không ai thực sự hiểu tác động của nó như thế nào", tiến sĩ Tamas Szekely từ Đại học Bath, trưởng dự án, cho biết. "Giờ đây, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về sự chọn lọc sinh sản trong trường hợp các loài chim".
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy ở đâu có sự cạnh tranh cao giữa các con đực, sự khác biệt về hình thể giữa hai giới đực và cái càng lớn, tuân theo quy luật của Rensch. Ngược lại, ở những loài cạnh tranh đực-đực kém dữ dội, con cái có xu hướng vượt trội về kích cỡ.
B.H. (theo Science Blog)