Sáng 15/11, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ghi nhận dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người, ước tính có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2037. Trong vòng 9 năm kể từ 1990, tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng thêm 9 tuổi, đạt 72,8 và dự báo năm 2050 lên 77,2.
So với thế giới, tuổi thọ trung bình của Việt Nam ở mức cao, trên 73 tuổi, theo kết quả Tổng điều tra Dân số của Tổng cục Dân số, Bộ Y tế. Trong đó, người dân TP HCM, Đồng Nai tuổi thọ trung bình 76,5, cao nhất cả nước giai đoạn 2016- 2020. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67. Năm năm sau (2030), tuổi thọ trung bình người Việt sẽ khoảng 75, đạt tối thiểu 68 năm sống khỏe.
Trên thực tế, tuổi thọ của con người tăng vọt trong 200 năm qua. Liên Hợp Quốc đánh giá khi công nghệ tiến bộ hơn, các nhà khoa học có điều kiện làm sáng tỏ nhiều bí mật về cơ thể người và các cơ chế sinh học liên quan, từ đó tìm cách cải thiện sức khỏe tổng thể và phòng chống bệnh tật.
Thành tựu phát triển quan trọng nhất của nhân loại trong 200 năm qua là vaccine, theo UNFPA. Trước khi có vaccine, các bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, bại liệt giết chết hàng triệu người mỗi năm. Các chiến dịch tiêm phòng sau đó xóa sổ những căn bệnh này ở nhiều nơi trên thế giới, làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung.
Vaccine cũng là một trong những vũ khí hiệu quả của cuộc chiến chống Covid-19. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Mỹ, vaccine Covid-19 đã cứu sống gần 20 triệu người trên thế giới trong vòng một năm.
Một tiến bộ lớn khác của y học là kháng sinh, được sử dụng từ những năm 1940 để điều trị tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh giúp tuổi thọ trung bình của thế giới tăng lên từ 5 đến 10 năm.
Thành tựu khác được đánh giá góp công lớn làm tăng tuổi thọ là công nghệ y tế. Các công nghệ mới như chụp CT, chụp cắt lớp giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh trước khi triệu chứng xuất hiện, cho phép điều trị sớm và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra sau này. Ngoài ra, y tế từ xa ngày càng phổ biến, cho phép mọi người dễ dàng tiếp cận với các phương pháp điều trị cũng như thông tin mà họ cần.
Tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng còn nhờ những cải thiện về vệ sinh và điều kiện sống. Ví dụ, sự ra đời của hệ thống ống nước và cống rãnh hiện đại giúp con người sống trong môi trường sạch sẽ hơn bao giờ hết. Hiện nay, người dân không tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong. Trước đây, con người có nhiều khả năng nhiễm bệnh do thực phẩm hoặc nguồn nước ô nhiễm vì không có tủ lạnh hoặc biện pháp bảo quản thức ăn hợp vệ sinh.
Con người ngày nay nhận thức rõ hơn về sự ảnh hưởng của lối sống đến sức khỏe và nỗ lực thay đổi để có tuổi thọ cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Tỷ lệ tử vong ở người thường xuyên hoạt động cũng thấp hơn từ 30% đến 35% so với những người không tập thể dục.
Các nhà khoa học cho biết những người hoạt động mạnh từ 150 đến 300 phút hoặc hoạt động thể chất vừa phải từ 300 đến 600 phút mỗi tuần có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Người tham gia các bộ môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, đạp xe, thể dục nhịp điệu hoặc hoạt động ngoài trời trong 150 đến 300 phút có tỷ lệ tử vong vì tất cả nguyên nhân thấp hơn từ 21% đến 23%.
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc cũng giúp kéo dài tuổi thọ ở những người sống ở Vùng Xanh. Vùng Xanh gồm 5 khu vực có mật độ người sống thọ cao nhất trên thế giới, là Sardinia (Italy), Okinawa (Nhật Bản), Ikaria (Hy Lạp), Nicoya (Costa Rica) và Loma Linda (California, Mỹ). Cư dân khu vực này thường sống đến hơn 100 tuổi. Chế độ ăn của họ chủ yếu dựa trên thực vật, với lượng thịt đỏ hạn chế. Họ chủ yếu tiêu thụ cá, các loại đậu, hạt và hạn chế ăn đường.
Thói quen này dần mở rộng ra nhiều khu vực khác, với các chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải. Ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, ung thư, tiểu đường và béo phì, làm giảm nguy cơ tử vong sớm. Đối với người bệnh, ăn uống lành mạnh cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Thục Linh (Theo Forbes)