![]() |
Các hồng y tại một lễ mixa trong nhà thờ St Peter. |
Giáo hoàng mới có quyền chọn tên của một trong 264 người tiền nhiệm, dùng tên thánh của mình hoặc đưa ra một tên hiệu hoàn toàn mới. Giới quan sát Vatican dự đoán tương lai của Nhà thờ dựa vào tên hiệu của giáo hoàng mới, giống như người ta bói lá chè vậy.
Tên hiệu của giáo hoàng mới là một trong những chiếc chìa khoá cho biết tương lai của Nhà thờ Thiên chúa La Mã trong những năm ông trị vì. Nó cũng xác lập vị trí của giáo hoàng mới trong lịch sử. Chẳng hạn, cái tên Giovanni Battista Montini không nói lên nhiều điều, nhưng Paul VI lại khác, bởi đó là vị giáo hoàng của nhà thờ trong thời kỳ có rất nhiều biến động xã hội của những thập niên 60 và 70.
Sau khi cuộc hội kín của Hồng y đoàn chọn ra được một gương mặt mới, Hồng y Joseph Ratzinger, trưởng đoàn, sẽ hỏi người được chọn xem ông ta có chấp nhận hay không, và nếu ngài đáp có, thì câu hỏi tiếp theo sẽ là ngài lấy tên hiệu là gì.
Phỏng đoán
Những người dự đoán dựa theo các sách lịch sử cá cược rằng giáo hoàng mới nhiều khả năng sẽ đề nghị được gọi là Benedict XVI (Benedict tiếng Latin nghĩa là Phúc lành). Cái tên được yêu thích thứ nhì là John Paul, tiếp đó lần lượt là Pius, John và Paul.
Mặc dù Peter cũng có thể là một "ứng viên", nhưng hầu như tên hiệu này sẽ không có cơ được chọn, bởi nó đã được dành một cách trân trọng cho giáo hoàng tiên khởi Peter, thánh tông đồ của Chúa. Năm 1009, một hồng y tên là Peter đã đổi hiệu thành Sergius IV, với ý nghĩ rằng cái tên Peter II có vẻ quá bạo dạn.
Hiện nay các website Thiên chúa giáo dự đoán rằng tân giáo hoàng sẽ tiếp tục đường hướng bảo thủ của người tiền nhiệm bằng cách lấy hiệu John Paul III.
Mặt khác, sau 26 năm trị vì của giáo hoàng người Ba Lan, nhiều tín đồ và giới quan sát có thể xuất hiện một tên hiệu mới, đánh dấu một thời kỳ mới nếu một hồng y theo tư tưởng tự do được lựa chọn để đứng đầu toà thánh.
Cũng có thể sẽ xuất hiện một sự đột phá trong việc chọn tên hiệu của giáo hoàng mới. John Paul I là vị giáo hoàng đầu tiên lấy tên hiệu kép, theo tên của hai vị tiền nhiệm của giáo hoàng này, đó là Paul IV và các vị tiền bối tên John.
Khi giáo hoàng John Paul I qua đời một tháng sau khi được bầu, hồng y Karol Wojtyla chọn tên hiệu của mình là John Paul II để thể hiện tính kế tục.
Truyền thống lấy tên hiệu
Nghi thức lựa chọn tên hiệu xuất hiện sau khi giáo hội có giáo hoàng được vài thế kỷ. Cho đến trước đó, người đứng đầu toà thánh thường giữ tên thánh của mình, chẳng hạn Anacletus, Hyginus, Soter và Zephyrinus.
Người đầu tiên phá lệ này là Giáo hoàng John II vào năm 533. Năm 1958, Angelo Giuseppe Roncalli đoán trước mình được bầu làm giáo hoàng. Ông rất ưa cái tên John và liền mở bách khoa thư ra tra xem sẽ mang số bao nhiêu đằng sau tên hiệu. Ông trở thành John XXIII.
John XXIII cho biết ông chọn tên này bởi âm thanh của nó "mềm mại và nhã nhặn", và đó cũng là tên thánh của cha và tên của giáo khu nơi ông được rửa tội.
Những tên hiệu quen thuộc và có nhiều khả năng được lựa chọn sau Mật hội bắt đầu hôm nay gồm John, Gregory, Pius (ngoan đạo), Clement (may mắn), Innocent (Hy vọng) hoặc Paul.
Tên hiệu John XXIV có thể là dấu hiệu chỉ ra sự cải cách mạnh hơn nữa trong Giáo hội. Paul VII dường như thể hiện ước vọng theo đuổi lập trường đạo đức cứng rắn của Vatican.
Tên hiệu Pius XIII sẽ là một dấu hiệu cho thấy sự trở lại với truyền thống, hay thậm chí xa hơn là viễn cảnh bỏ đi một số thay đổi cấp tiến của Nhà thờ trong những thập kỷ qua.
T. Huyền (theo AP)