Làm việc ở trung tâm y tế Somerset (thị trấn Somerville, New Jersey), nữ điều dưỡng Amy Loughren thường tiếp xúc với nhiều bệnh nhân cận kề với cái chết. Một trong số đó là mục sư Florian Gall. Ông nhập viện với triệu chứng bệnh tim, viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Bác sĩ kê cho ông loại thuốc digoxin chuyên dùng để làm giảm nhịp tim đập nhanh. Sau thời gian điều trị, sức khỏe của ông có dấu hiệu hồi phục và dự kiến sẽ ra viện.
Ngày 28/6/2003, tim đột ngột ngưng đập, Florian Gall chết ở tuổi 68. Dù đau khổ, gia đình mục sư Florian Gall không nghi ngờ gì vì cho rằng tuổi tác ông đã cao. Việc tang lễ diễn ra bình thường.
Vài ngày sau khi Florian Gall qua đời, Amy Loughren lấy thuốc cho bệnh nhân qua hệ thống Pyxis. Theo Wired, đây là hệ thống quản lý kho thuốc tự động của Trung tâm y tế Somerset, bao gồm một tủ thuốc nhiều ngăn kết nối với máy tính. Điều dưỡng viên chỉ việc nhập lệnh lấy thuốc vào máy, hệ thống sẽ tự động mở ngăn tủ có chứa loại thuốc đó. Lượng thuốc điều dưỡng viên lấy ra bao nhiêu, cho bệnh nhân nào, đều được ghi lại trong lịch sử xuất kho.
Ngẫu nhiên, Amy Loughren nhấn nhầm vào trang lịch sử lấy thuốc của Charles Cullen. Cô ngạc nhiên khi thấy nam điều dưỡng Charles Cullen đã lấy một liều digoxin từ trong kho và kiểm tra tình trạng sức khỏe của vị mục sư ngay trước khi ông qua đời. Mục sư Florian Gall không phải là bệnh nhân thuộc phân công của Charles Cullen, vậy nam điều dưỡng kiểm tra ông làm gì?
Tiếp tục tìm hiểu, Amy Loughren phát hiện Charles Cullen nhập vào máy nhiều lệnh lấy thuốc như norepinephrine, dobutamine, và digoxin. Các loại thuốc này chuyên dùng cho bệnh nhân khoa tim, trong khi nam điều dưỡng làm việc ở khoa hồi sức tích cực. Kỳ lạ hơn, sau khi nhập, Charles Cullen đều lập tức tự hủy lệnh lấy thuốc. Nhập lệnh sai phải hủy một, hai lần là bình thường, nhưng lỗi sai này lặp lại nhiều lần trong nhiều đêm, như thể cố tình một cách có hệ thống.
Bắt chước Charles Cullen, Amy Loughren nhập lệnh lấy thuốc rồi tự hủy thì thấy ngăn tủ có chứa loại thuốc đó tự động mở ra nhưng số lượng thuốc xuất kho không hề được lưu lại trong máy. Nếu vậy, Charles Cullen đã có thể lấy bao nhiêu thuốc tùy ý mà phần mềm quản lý không hay biết.
Nữ điều dưỡng đem phát hiện của mình báo lên ban quản lý bệnh viện. Đầu tháng 10/2003, Bệnh viện Somerset trình tin báo lên văn phòng công tố hạt Somerset. Được tin, văn phòng công tố quyết định bí mật khai quật mộ phần của mục sư Florian Gall để giám định lượng digoxin trong cơ thể. Kết quả cho thấy lượng digoxin trong máu gấp 5 lần liều lượng bình thường, nạn nhân tử vong do quá liều digoxin.
Ngày 31/10/2003, Charles Cullen bị trung tâm y tế Somerset sa thải. Hai tháng sau, ngày 12/12/2003, Charles Cullen bị cảnh sát bắt vì nghi ngờ giết mục sư Florian Gall.
Trong quá trình thẩm vấn, Charles Cullen không chịu hợp tác với điều tra viên. Trong vụ việc này, lời thú tội của nghi phạm rất quan trọng vì không ai tận mắt nhìn thấy Charles phạm tội, tất cả chỉ là bằng chứng gián tiếp.
Theo Nypost, cảnh sát một lần nữa mời Amy Loughren, người có thể coi là bạn thân duy nhất của Charles Cullen, đến thuyết phục nghi phạm hợp tác.
Cách làm này lập tức có hiệu quả. Charles Cullen nhận đã tiêm quá liều digoxin cho vị mục sư. Anh ta cho biết từng giết 30-40 người trong 16 năm làm điều dưỡng tại nhiều bệnh viện trước đó trong phạm vi New Jersey và Pennsylvania.
Với lời khai ấy, cảnh sát lần lại lịch sử việc làm của Charles Cullen, cho thấy nghi phạm từng làm điều dưỡng tại 10 bệnh viện từ 1987 đến 2003, thường chỉ làm được thời gian ngắn rồi bỏ việc hoặc bị đuổi khi đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ nam điều dưỡng ăn cắp thuốc và giết bệnh nhân.
Kỳ lạ là không bệnh viện nào báo cáo những cái chết bất thường xảy ra trong ca trực của Charles Cullen lên cơ quan chức năng. Một số bệnh viện cho biết từng kiểm tra lịch sử việc làm của Charles Cullen trước khi tiếp nhận nam điều dưỡng, nhưng không được tiết lộ điều gì đáng nghi ngại.
Để tránh án tử hình, Charles Cullen thỏa thuận nhận tội với văn phòng công tố. Charles Cullen khai lần giết người đầu tiên là vào năm 1988, khi mới làm việc tại Trung tâm Y tế Saint Barnabas, New Jersey. Nạn nhân là thẩm phán nghỉ hưu John Yengo, 72 tuổi, nhập viện vì bị bỏng do cháy nắng. Charles Cullen tiêm quá liều lidocaine cho nạn nhân. Loại thuốc gây tê này ở liều lượng lớn khiến máu không cung cấp đủ dưỡng khí cho mô, gây huyết áp thấp và tử vong.
Các nạn nhân của Charles Cullen có độ tuổi trung bình 70, lý do bị giết là để giảm bớt sự giày vò về thể xác. Nạn nhân trẻ tuổi nhất là Michael Strenko, 21 tuổi, tử vong vì ngộ độc norepinephrine vào tháng 5/2003. Nhập viện để phẫu thuật ghép lá lách.
Năm 2004, Charles Cullen nhận tội trước tòa rằng đã giết 22 người ở New Jersey, 7 ở Pennsylvania, và cố gắng giết 6 người khác. Thẩm phán vụ việc tuyên phạt bị cáo phải chịu 11 bản án chung thân nối liền, tức sẽ được xét ân xá sau 397 năm tù.
Charles Cullen đang được giam giữ ở nhà tù Trenton, New Jersey. Theo phán đoán của chuyên gia, số nạn nhân thực tế của nam điều dưỡng sát nhân này có thể lên tới 400 người.
Lý giải cho chuỗi ngày nhảy việc và giết chóc không ngừng của Charles Cullen, cơ quan điều tra nhận định khi ấy các bệnh viện không có một cơ chế chung để báo cáo hành vi khả nghi của nhân viên y tế. Khi được chủ lao động mới hỏi về nhân viên cũ, bệnh viện thường được khuyến cáo nên nói tốt vì sợ bị cáo buộc bôi nhọ dẫn tới kiện tụng.
Sau vụ việc của Charles Cullen, phần lớn các bang ở Mỹ đều ban hành luật khuyến khích chủ lao động thành thật về quá khứ làm việc của người lao động, cho họ hưởng bảo vệ về mặt pháp lý. Nhiều bệnh viện nơi Charles Cullen từng làm việc đều bị gia đình nạn nhân khởi kiện vì không làm tròn trách nhiệm. Tuy nhiên, tất cả các vụ kiện đều kết thúc bằng hòa giải bí mật.
Quốc Đạt