Đột ngột, máy monitor ở giường số 7 báo động, điều dưỡng Thu Hồng nhanh chóng gắn lại kẹp đo nồng độ oxy cho bệnh nhân Đỗ Thị Xiêm, 73 tuổi bị tụt lúc trở mình. Chị kéo nhẹ tấm chăn lên để người bệnh tiếp tục ngon giấc.
1 giờ sáng, bệnh nhân Trần Văn Tiến 59 tuổi, ở giường số 4, đang ngủ bỗng đạp chăn, tự tay tháo mặt nạ trợ thở ra, tiếng báo động của máy monitor lại vang lên. Thu Hồng chạy lại thì ông cho biết không ngủ được do đờm đọng ở cổ. Nhanh tay, chị lấy bộ dụng cụ hút đờm đựng trong túi tiệt khuẩn riêng biệt rồi nhỏ nhẹ: "Chú đừng cắn ống, mở miệng lớn hơn chút nữa, con hút đàm ra cho dễ thở hơn". Hút đờm xong, bệnh nhân Tiến ngủ được một tiếng lại đòi vệ sinh răng miệng. Riêng hôm nay, bệnh nhân Tiến yêu cầu vệ sinh răng miệng đến lần thứ 7. Sau 15 phút trò chuyện, bệnh nhân Tiến chìm vào giấc ngủ, còn điều dưỡng Hồng tiếp tục lụi cụi với xấp hồ sơ y lệnh để báo cáo bác sĩ điều trị trước khi giao ca vào sáng hôm sau.
"Reng...", tiếng điện thoại đêm khuya lại vang lên, chị Hồng cùng các điều dưỡng khác chuẩn bị tiếp nhận thêm một bệnh nhân nặng bị suy thận, tai biến mạch máu não, tiểu đường... từ bệnh viện tỉnh chuyển tới, với hy vọng "còn nước còn tát".
Mỗi ngày của chị Thu Hồng cũng như hàng trăm điều dưỡng viên khác ở BVĐK Tâm Anh đều trôi qua như thế. Dù ngày hay đêm, họ tâm niệm không bao giờ để chuyện buồn của cá nhân, hay áp lực gia đình ảnh hưởng đến công việc, vì chỉ cần sai sót nhỏ, không tỉnh táo sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, đặc biệt là những ca bệnh như "ngọn đèn treo trước gió" ở ICU.
Yêu cầu cao, áp lực lớn
Tại hệ thống BVĐK Tâm Anh, điều dưỡng viên đóng vai trò quan trọng, yêu cầu chuyên môn và trách nhiệm cao. Họ không ở tâm thế "phụ việc" cho bác sĩ mà chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng phương án tác chiến. Bác sĩ CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, cho biết, điều dưỡng dụng cụ không chỉ hoàn thành công việc của khoa Gây mê hồi sức mà còn kết nối các chuyên khoa khác khi tham gia cuộc mổ như: Sản phụ khoa, Tai mũi họng, Tiêu hóa, Chấn thương chỉnh hình, Tim mạch, Tiểu đường...
Mỗi phẫu thuật viên sẽ có tính cách, yêu cầu, thói quen khác nhau, yêu cầu người điều dưỡng phải vừa chuẩn bị đủ dụng cụ, vừa hiểu tâm lý, thói quen để hỗ trợ tốt nhất hiệu quả công việc. Điều dưỡng phòng mổ không chỉ thao tác nhanh chóng mà còn chuẩn xác để tránh làm chậm nhịp cuộc phẫu thuật, gây ảnh hưởng đến tâm lý phòng mổ và người bệnh. Vào những ngày trực đêm, điều dưỡng phòng mổ luôn thức trắng để sẵn sàng "lao" vào ca mổ, nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ đầy đủ cho cuộc phẫu thuật.
Nghề điều dưỡng đã vất vả nhưng làm điều dưỡng ở ICU vất vả gấp nhiều lần bởi tiếp nhận toàn ca bệnh nặng, nằm bất động... không có người nhà bên cạnh, cần túc trực suốt 24/24h. Ngoài theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, điều dưỡng phải đáp ứng phản xạ nhanh, chính xác, đặc biệt nắm bắt tâm lý người bệnh để sớm hồi sức - cấp cứu. Điều dưỡng làm việc ở ICU của BVĐK Tâm Anh càng khắt khe hơn, không chỉ có tay nghề giỏi, biết sử dụng máy móc ở đây như: máy hạ thân nhiệt, máy thở, máy lọc máu... mà còn thuần thục các kỹ thuật chăm sóc người bệnh.
Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hệ thống BVĐK Tâm Anh liên tục đầu tư máy móc hiện đại ở tất cả các chuyên khoa như hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K, thiết bị đốt sóng cao tần, DSA, robot cầm tay cơ học, các thiết bị dụng cụ phục vụ thay khớp bằng mắt thần... Không chỉ bác sĩ mà điều dưỡng cũng phải học tập liên tục để được chuyển giao công nghệ, từ đó biết cách vận hành khi tham gia ca mổ.
Hầu hết điều dưỡng tại bệnh viện có trình độ đại học nên nhanh chóng tiếp thu kiến thức, công nghệ mới. Các điều dưỡng phòng mổ có thể điều chỉnh thành thạo máy gây mê kèm thở có tính năng hỗ trợ huy động phế nang bị xẹp trong quá trình gây mê phẫu thuật, hay máy monitor 10 thông số (theo dõi độ giãn cơ, giảm đau, độ sâu gây mê)... nhờ đó vận hành phòng mổ thuận lợi. Mỗi ca phẫu thuật không giống nhau nên khi nhận lệnh, điều dưỡng chủ động lên kế hoạch chuẩn bị máy móc, dụng cụ mổ... mà không phụ thuộc nhiều vào bác sĩ.
"Nữ điều dưỡng sẽ càng vất vả hơn vì họ còn là người vợ, người mẹ lo toan trong gia đình. Nếu không có đam mê cống hiến và gia đình thông cảm, chia sẻ, nữ điều dưỡng dụng cụ khó có thể tiếp tục với nghề", Bác sĩ Lưu Kính Khương cho hay.
Thương bệnh nhân như chính mình
Theo điều dưỡng trưởng Đặng Minh Hương, khoa Gây mê hồi sức, BVĐK Tâm Anh TP HCM, trước khi vào phòng mổ, bệnh nhân thường nắm chặt tay chị để được động viên tinh thần, bởi họ chỉ có một mình. Do đó, khi tiếp nhận ca bệnh, điều dưỡng gây mê luôn ân cần hỏi han, giải thích khoa học từ tình trạng bệnh đến giới thiệu các bác sĩ mổ giỏi, máy móc hiện đại... để người bệnh an tâm, hợp tác.
Còn điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: "Ở khoa Cấp cứu, chúng tôi luôn nhận ca bệnh nguy kịch, khẩn cấp nên phải bình tĩnh và yêu thương người bệnh. Khi đã rơi vào tình trạng cấp cứu, người bệnh sẽ khó chịu, cáu gắt... đó là tâm lý bình thường, mình phải xem như người thân để dễ dàng cảm thông, chia sẻ", chị cho hay.
Vào thời kỳ cao điểm dịch bệnh Covid-19, điều dưỡng Hằng đã không ngần ngại đăng ký tham gia chống dịch, ngày ngày mặc đồ bảo hộ chăm sóc, tắm rửa, gội đầu... cho những bệnh nhân Covid-19 nặng. Thời điểm đó, chị Hằng phải xa con nhỏ nhiều tháng liền. Nhiều khi nhìn con qua điện thoại vừa khóc vừa mếu máo nói muốn ngủ với mẹ mà lòng chị thắt lại.
"Nhưng con tôi may mắn có gia đình, còn những bệnh nhân đang nguy kịch vì dịch bệnh, họ đơn độc một mình nên tôi phải tận tình chăm sóc. Nghề điều dưỡng như một nốt trầm trong bản nhạc du dương. Dẫu ở vị trí điều dưỡng nào, điều dưỡng chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để làm tròn trọng trách, góp một chút công sức vào quá trình điều trị, giành lấy sự sống cho người bệnh", chị chia sẻ.
Nhớ lại ngày bước chân vào nghề điều dưỡng, chị Thu Hồng cho hay chỉ vì thấy bạn bè bảo nghề y "oách lắm" nên chị thi tuyển cho vui. Thời mới ra trường, mỗi khi đi làm về, chị chỉ ôm mặt khóc. Chị quá sợ máu, sợ kim tiêm, sợ chứng kiến cả nỗi đau, nhìn người bệnh nặng, những hoàn cảnh thương tâm không còn cơ hội cứu chữa... Chị muốn bỏ nghề. Thế nhưng ý định này thay đổi sau khi chị vô tình chăm sóc cho một cảnh sát bị dập nửa não, mất trí nhớ trong một lần bắt cướp. Và tình cờ người đó lại chính là cậu bạn học chung lớp cấp 3 của chị.
"Tôi thử hỏi thăm về những chuyện trong quá khứ, từng học ở đâu, có biết bạn học tên Hồng không... thì người bệnh nhớ tất cả. Cả hai đứa mừng đến khóc và từ đó mỗi ngày, bạn chỉ chịu tôi đút cơm ăn mới hợp tác điều trị. Trải qua lần thập tử nhất sinh, cậu bạn vẫn tiếp tục là một cảnh sát giỏi, còn tôi tự hào với nghề. Tôi tự nhủ, làm điều dưỡng, làm ngành y sẽ cứu giúp được nhiều người", điều dưỡng Thu Hồng chia sẻ.
Cũng vì yêu nghề nên điều dưỡng Thu Hồng lập gia đình trễ. May mắn, gia đình nhỏ luôn ủng hộ công việc của chị dù phải đi sớm về khuya, hay làm xuyên đêm. Nghề điều dưỡng với chị Hồng còn mang cả ý nghĩa "tích đức", bởi những ca bệnh tại ICU phần lớn người cao tuổi nên khi chăm sóc người bệnh.
"Ai rồi cũng già, nên tôi thương bệnh nhân như thương chính bản thân mình sau này, cũng mong người khác thương mình như mình đã từng thương những người xa lạ. Hiểu được người lớn tuổi, điều dưỡng sẽ thấy thương người bệnh và chăm sóc tận tình hơn", chị Thu Hồng chia sẻ.
Mỗi ngày, BVĐK Tâm Anh TP HCM tiếp nhận hàng chục ca mổ. Nhiều bệnh nhân chia sẻ đôi khi họ chọn mổ ở đây không chỉ vì cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao mà còn vì các điều dưỡng chăm sóc rất tận tình, như người nhà, khiến họ yên tâm và thoải mái... Nghe những lời khen từ người bệnh, dù vất vả đến mấy, những nữ điều dưỡng vẫn thấy hạnh phúc. Bởi thế nên hơn 30 năm nay, chị Đặng Minh Hương - điều dưỡng Trưởng khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM,chưa khi nào nản lòng với nghề, dù bắt đầu công việc từ sớm tinh mơ, trở về nhà khi đường phố đã lên đèn, nhiều người chìm vào giấc ngủ.
"Nghề điều dưỡng mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng xông xáo làm việc không nề hà, tất cả đều hướng đến bệnh nhân. Chứng kiến nhiều người bệnh trở về cuộc sống sau ca mổ "thập tử nhất sinh", tôi càng tự hào với nghề. Hạnh phúc đơn giản chỉ là cứu được nhiều người trên đường mình đi", Chị Đặng Minh Hương, điều dưỡng Trưởng khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.
Anh Ngọc