Ba tháng trước laptop không may bị hỏng, Thủy Hương (24 tuổi) buộc phải mua máy tính mới, phục vụ công việc cường độ cao. Có sẵn 17 triệu tiền mặt, cô tính vay thêm 10 triệu sắm chiếc Macbook yêu thích. Sợ thủ tục vay tiêu dùng chính thống rườm rà, cô tìm hiểu và thấy hứng thú với một app quảng cáo cho vay lãi suất 0 đồng.
Sau khi tải app, cô gái trẻ đọc kỹ thông tin và nhấn "đồng ý" vay 10 triệu đồng. Tuy nhiên khi giải ngân, cô không ngờ phần trả lãi không như quảng cáo và sốc khi bị cắt gần một nửa giá trị khoản vay. Nhân viên nọ giải thích đã trừ trực tiếp 4 triệu tiền phí, 500.000 tiền lãi và chỉ chuyển cho cô 5,5 triệu đồng. Họ yêu cầu Thủy Hương phải trả đủ 10 triệu trong 7 ngày.
"Tôi lập tức gọi đường dây nóng trình bày: trên app nói rõ ràng lãi suất 0 đồng, sao lại trừ tiền phi lý vậy được? Họ bảo không biết việc cam kết giữa khách với bên cho vay, chỉ làm theo hệ thống", Hương kể. "Há miệng mắc quai" và sợ gia đình, bạn bè lo lắng, cô không dám tâm sự với ai, kể cả bạn trai. Vì lãi suất quá cao, cô chỉ trả được một nửa, số còn lại không xoay trở kịp nên phải chịu những khoản lãi phạt phát sinh.
Số tiền phạt có ngày lên tới vài trăm nghìn, rồi dần dà vài triệu đồng. Khi không thể tiếp tục trả, Hương bị nhân viên các app "khủng bố", đe dọa, thậm chí gán ghép hình ảnh vào các web khiêu dâm. Mọi chuyện đi quá tầm kiểm soát, cô sợ hãi khóc mỗi đêm và đau khổ khi bạn trai không nghe giải thích. "Chỉ nhận được 5,5 triệu đồng trong khoản 10 triệu muốn vay, nhưng tôi lại phải trả lãi khủng lên tới hàng chục triệu đồng", cô kể.
Vừa áp lực tiền phạt từ "trên trời rơi xuống", Hương còn khủng hoảng khi bị đồng nghiệp nghi ngờ nhân phẩm, bàn tán về video sex, thậm chí chia tay bạn trai 5 năm. Chỉ đến khi gia đình gom đủ tiền trả, Hương mới thoát khỏi chuỗi ngày "sống không bằng chết". Hương tâm sự: "Từ nay đến cuối đời, tôi xin chừa, không bao giờ táy máy, vay mượn linh tinh qua các app".
Sơn Anh (Thanh Hóa) cũng rơi vào tình cảnh mất danh dự như Hương, dù anh không phải trực tiếp vay mượn. Trên trang cá nhân, anh đăng tải câu chuyện một ngày tháng 9, bất ngờ nhận được cuộc gọi của nhân viên công ty tín dụng. Họ yêu cầu anh thanh toán 70 triệu đồng đã vay kèm lời đe dọa "nếu không thanh toán đúng hạn sẽ chịu hậu quả" - đầu tiên là đến tận công ty anh báo cho lãnh đạo, sau đó sẽ đăng video 18+ của anh lên Facebook. Sơn Anh tá hỏa giải thích mình chưa từng mượn tiền, liệu có nhầm lẫn gì không?
Công ty tín dụng đen trên nói người vay là em họ của Sơn Anh, tuy nhiên do cậu này đã tắt máy, trốn khỏi nơi cư trú 10 ngày nay. Do đó nhân viên đòi nợ chuyển hướng sang gia đình người vay (do trước đó em họ có điền thông tin số liên lạc khẩn cấp). "Ai mượn thì hãy đòi kẻ đó, đừng làm phiền đến gia đình tôi. Tôi sẽ không sợ hãi, kể cả việc có bị ghép hình lên web khiêu dâm", Sơn Anh viết lên trang cá nhân.
Lực lượng đòi nợ này cho rằng Sơn Anh thách thức, lập tức đăng video sex lên mạng với ý đồ hạ nhục, ép anh trả tiền. Thủy Hương, Sơn Anh... chỉ là một trong hàng trăm nghìn nạn nhân của các app cho vay lậu.
Vay tiêu dùng đang ngày càng phổ biến, đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của một bộ phận người dân. Covid-19 tác động mạnh đến cuộc sống, thay đổi thói quen của nhiều người. Khi không đủ tiền chi trả một lần, không ít người chọn cách trả góp để chia đều gánh nặng tài chính ra nhiều tháng.
Hiện quy mô dân số Việt Nam gần 100 triệu người, 60% trong đó có thu nhập thấp hoặc trung bình. Do đó, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn và là mảnh đất màu mỡ cho tín dụng tiêu dùng phát triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tín dụng đen là áp lực cạnh tranh rất lớn với các kênh cho vay tiêu dùng chính thống. Hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% vay từ các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.
Trước đó hồi tháng 6, nhiều người bức xúc khi theo dõi thông tin sự biến tướng của các app cho vay tiêu dùng trong một bản tin tài chính trên truyền hình. Người vay bị cắt trực tiếp gần nửa tổng giá trị khoản vai, lãi suất tăng chóng mặt. Nếu không trả đúng thời hạn, họ bị phạt lãi 320.000 đồng mỗi ngày, tương đương mức lãi suất 240% mỗi tháng và 2.880% một năm.
Trên VnExpress, chuyên gia tài chính cho rằng với lãi suất của các app hiện nay, người vay rất khó trả hết nợ. Các app thường cho vay số tiền nhỏ, thời gian ngắn nhưng tính phí rất cao. Nạn nhân dính bẫy vì nghĩ có thể thanh toán dễ dàng. Nhưng khi không trả được hết, một khoản nhỏ cũng sẽ phát sinh lãi, người vay sẽ không lường được con số này tăng kinh khủng thế nào.
Đến thời gian đáo hạn, nếu người vay không trả được, nhân viên tiếp tục giới thiệu các app mới để nạn nhân tiếp tục vay trả nợ cũ. Với mức lãi suất lên tới 80% mỗi tuần, vòng xoáy nợ sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh. Nạn nhân chỉ vay vài triệu nhưng số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các app vay lậu này nhắm đến những đối tượng chưa nhiều kinh nghiệm tài chính, dễ tin những lời cam kết, hứa hẹn. Nhiều chuyên gia cho rằng tín dụng đen có sức hút vì nhận tiền ngay mà không có bất cứ thủ tục nào ràng buộc. Bên cạnh đó, các công ty này luôn sát sườn với thị trường, nhanh nhẹn và nắm rõ nhu cầu của người dân. Họ cũng thừa thủ đoạn, thòng lọng... để "thắt cổ" người dân.
Theo Bộ Công An, những ứng dụng cho vay này là hiện tượng biến tướng của hình thức cho vay ngang hàng (còn gọi là peer-to-peer lending), không qua thế chấp, với lãi suất phổ biến từ 700% đến 1.000% mỗi năm, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Bộ Công An đã xác định khoảng 70 công ty chưa được cấp phép cho vay ngang hàng để hoạt động tín dụng đen. Đứng sau thường là ông trùm ở nước ngoài, có những công ty thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách hàng với số tiền giao dịch đến hàng trăm tỷ đồng.
Hiếu Châu