Thứ năm, 29/5/2025
Thứ năm, 21/12/2023, 05:00 (GMT+7)

Điều chế thuốc phóng xạ 'soi' tế bào ung thư

TP HCMBác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên điều chế hai loại thuốc phóng xạ chụp PET/CT hiển thị chi tiết tế bào ung thư, giúp người bệnh không phải ra nước ngoài chụp chiếu.

Một giờ sau khi tiêm thuốc phóng xạ Galium-68 PSMA, bệnh nhân nam, ngoài 60 tuổi, vào phòng PET/CT để chụp theo dõi kết quả điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Những bệnh nhân như ông từ ngày 7/11 không còn phải sang Singapore, Ấn Độ... chụp chiếu với chi phí gấp nhiều lần Việt Nam, nhờ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã sản xuất thành công thuốc phóng xạ Galium-68 PSMA (dùng trong ung thư tuyến tiền liệt) và Galium-68 Dotatate (dùng trong u thần kinh nội tiết).

Khi bệnh nhân có mặt tại bệnh viện, thuốc phóng xạ bắt đầu được điều chế trong vòng 30 phút tại khu vực riêng, khép kín, để đảm bảo an toàn bức xạ. Quy trình điều chế được tiến hành với 28 bước, sau đó chế phẩm được đem đi kiểm chuẩn chất lượng.

Galium-68 PSMA được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận năm 2020, còn Galium-68 Dotatate được cấp phép năm 2016, đang sử dụng rộng rãi cho người bệnh trên thế giới.

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Khoa Y học hạt nhân, cho biết hai thuốc phóng xạ này không thể nhập khẩu vì thời gian bán rã chỉ 68 phút, phải dùng liền tại chỗ. Người bệnh muốn chụp chiếu phải ra nước ngoài. Chứng kiến người bệnh phải vất vả, tốn kém đi nước ngoài chụp chiếu, ông và đồng nghiệp quyết tâm pha chế thuốc phóng xạ, đề xuất bệnh viện mua máy móc.

Kỹ sư vật lý hạt nhân Nguyễn Tấn Châu cho biết module pha chế thuốc phóng xạ này được trang bị từ năm 2021. Nhân viên của khoa được đào tạo nhiều đợt với các chuyên gia nước ngoài. Do vướng dịch Covid, gần đây bệnh viện mới hoàn thành các quy trình hồ sơ, nhập được nguyên vật liệu điều chế thuốc.

"Quy trình điều chế thuốc đã có sẵn, công thức đã được huấn luyện, chỉ cần tuân thủ đúng các bước trên hệ thống", kỹ sư Châu nói.

Kỹ sư thao tác sau tấm kính chắn dày, giúp tránh ảnh hưởng của phóng xạ đến cơ thể.

15 năm nay, bệnh viện ghi hình PET/CT với thuốc phóng xạ F-18 FDG đánh giá chuyển hóa đường glucose trong nhiều loại bệnh ung thư, do kỹ sư nơi này tự điều chế. Tuy nhiên, tế bào ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng đường glucose nên hiển thị kết quả chẩn đoán không cao, đòi hỏi phải sử dụng hai loại thuốc phóng xạ mới điều chế.

Sau khi điều chế, kiểm chuẩn xong, thuốc phải được tiêm ngay vào cơ thể bệnh nhân để tránh mất tác dụng, bởi thời gian bán rã của thuốc chỉ 68 phút. Một giờ sau khi tiêm, khi thuốc đã hấp thu, bệnh nhân sẽ được chụp PET/CT trong khoảng 15 phút.

"Thuốc phải sử dụng ngay, lượng pha chế phải vừa đủ chứ không thể sản xuất đại trà được", bác sĩ Cảnh nói.

Khi thuốc phóng xạ này hoạt động trong cơ thể người bệnh, PET/CT có thể cung cấp hình ảnh rất chi tiết về các tế bào ung thư, giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác tình trạng bệnh nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.

Hình ảnh tế bào ung thư chụp PET/CT với thuốc phóng xạ Galium-68 Dotatate (bên trái) hiển thị tốt hơn so với thuốc F-18 FDG (bên phải). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Cảnh, sau thành công với thuốc phóng xạ để chẩn đoán, theo dõi ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết, từ đồng vị phóng xạ gắn kết vào tế bào ung thư, khoa dự định tìm hiểu sản xuất thuốc phóng xạ hỗ trợ điều trị hai loại ung thư này.

Quỳnh Trần - Lê Phương