Meghan Markle ngày 29/8 trả lời phỏng vấn tạp chí Cut, cho biết một nam diễn viên Nam Phi trong lễ công chiếu phim Vua sư tử đã nói với cô rằng niềm vui của người dân Nam Phi trước hôn lễ của cô với Harry năm 2018 giống như lúc cựu tổng thống Nelson Mandela được trả tự do.
Diễn viên John Kani ngày 1/9 tỏ ra "bối rối", khẳng định mình là thành viên Nam Phi duy nhất trong dàn diễn viên của phim Vua sư tử. Người Nam Phi còn lại trong đoàn làm phim là Lebo M, chịu trách nhiệm về âm nhạc nhưng không nằm trong dàn diễn viên.
"Tôi chưa từng gặp Meghan, tôi cũng không tham gia lễ công chiếu", diễn viên 79 tuổi, lồng tiếng cho nhân vật pháp sư khỉ mặt chó Rafiki, nói. "Có thể là cô ấy nhớ nhầm".
Kani cũng nói rằng chuyện ông Mandela được thả sau 27 năm ngồi tù là một "thời điểm mang tính bước ngoặt ở Nam Phi", trong khi cuộc hôn nhân của cô và Harry "không có gì to tát" ở quốc gia này.
"Không thể so sánh như vậy", ông nhấn mạnh. "Theo tôi nhớ mọi người hồi đó còn không biết đám cưới của cô ấy diễn ra khi nào. Đối với tôi, đó không phải là sự kiện đáng quan tâm".
Vài ngày trước, nghị sĩ Nam Phi Zwelivelile Mandela, cháu trai cố tổng thống Nelson Mandela, đã lên tiếng chỉ trích Meghan về chuyện này. Zwelivelike khẳng định việc ông mình được trả tự do năm 1990 sau 27 năm ngồi tù quan trọng và nghiêm túc hơn cuộc hôn nhân của Meghan "với một bạch mã hoàng tử".
"Ngày tự do của ông Mandela là kết quả của 350 năm đấu tranh với chủ nghĩa thực dân và 60 năm chống chế độ phân biệt chủng tộc tàn bạo ở Nam Phi", Zwelivelile nói. "Đó là thành tựu lớn, đánh dấu lần đầu tiên phần lớn người dân Nam Phi được ra đường thực hiện quyền bỏ phiếu".
Trong khi đó, diễn viên Kani không chỉ trích Meghan nặng nề. "Tôi thực sự không muốn coi đây là sự xúc phạm với Nam Phi. Tôi nghĩ cô ấy chỉ đơn giản là lỡ lời. Có thể Meghan nhớ lẫn lộn một số sự việc với nhau", ông nói.
Tạp chí Cut từ chối bình luận về sự việc đang gây tranh cãi.
Tại một quốc gia đa chủng tộc như Nam Phi, Nelson Mandela là biểu tượng cao nhất cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Ông là tổng thống đầu tiên của nước này. Với sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột vì phân biệt chủng tộc. Ông qua đời ngày 5/12/2013, thọ 95 tuổi.
Đức Trung (Theo Daily Mail)