Lương Duyên sinh năm 1982 tại Sài Gòn. Cha mẹ chia tay khi chị vừa hai tuổi, nữ diễn viên sống cùng mẹ và anh trai. Một mình nuôi hai con khôn lớn, mẹ chị không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Lương Duyên một mình làm mọi việc từ khi còn nhỏ, từ đi học, đi chợ, nấu ăn. Cả những chuyện tế nhị ở lứa tuổi dậy thì, mẹ cũng ít có thời gian san sẻ với chị.
Yêu thích sân khấu, chị chọn theo học Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM và trở thành học trò của nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như tại. Hoàn cảnh vất vả từ bé hình thành ở Lương Duyên bản tính nhút nhát. Điều này ảnh hưởng trong cả nghề nghiệp của chị. Sống khép kín và ngại giao tiếp, chị không có nhiều cơ hội tiếp cận vai diễn. Sau khi tốt nghiệp, chị được Thành Hội - Ái Như đưa vào nhiều vở diễn do họ dàn dựng.
Vai diễn đầu tiên của Lương Duyên trên sân khấu Nhà hát kịch 5B là trong vở Ngôi nhà của những linh hồn. Sau đó, chị vào vai Trúc trong Nhà trọ tình yêu, vai Duyên trong Cho em 150 phút phiêu lưu, cô y tá trong Người điên trong ngôi nhà cổ…
Gần sáu năm diễn kịch, được khán giả yêu thích trong các vai phụ, nhưng cái tên Lương Duyên khá lạ lẫm. Nữ diễn viên tâm sự trước kia chị chỉ biết đóng vai bi bởi gương mặt có gò má cao nên phảng phất nét buồn. Chỉ đến khi nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như phát hiện ở gương mặt đó có những đặc điểm phù hợp với dạng vai người phụ nữ sống bằng bản năng, Lương Duyên mới có cơ hội thể hiện mình với vai chính đầu tiên - Xuân trong kịch Không cần đàn ông.
Xuân là chị cả trong gia đình có ba chị em. Họ chưa một lần dám yêu do bị ám ảnh lời dăn rạy về sự xấu xa của đàn ông từ bà và mẹ. Sống bản năng, khao khát, Xuân bỏ qua mọi định kiến thế hệ để yêu. Sự nhút nhát, cảm xúc hờn giận, ghen tuông đan xen khiến người phụ nữ lần đầu biết yêu trong Xuân quay cuồng. Vai diễn này giúp Lương Duyên lột xác hoàn toàn trên sân khấu. Từ đây, chị liên tục hóa thân vào những nhân vật phụ nữ khác nhau. Lúc là bà Hai Sa đầy toan tính trong Sông dài, lúc là Ba Nữa nhiều chuyện, tọc mạch trong Tục lụy, khi là Hai Lung cho vay nặng lãi, "miệng Nam mô bụng một bồ dao găm" trong Nửa đời hương phấn...
Những vai phụ của Lương Duyên in sâu vào lòng khán giả hình ảnh một người đàn bà hời hợt, nhiều chuyện, nanh nọc... nhưng tiềm ẩn những khao khát rất bản năng của phụ nữ. Điểm ấn tượng nhất của của nữ nghệ sĩ là giọng nói, đặc biệt là điệu cười âm vang nhưng sắc lạnh.
"Ngày xưa, tôi bị đánh giá là 'khó chơi' do bản tính nhút nhát. Tôi không bao giờ nghĩ có một ngày mình có thể cười lớn, cười sảng khoái trước mặt nhiều người như những nhân vật tôi đóng sau này", nữ diễn viên tâm sự.
Từ một cô gái sống khép kín, Lương Duyên trở thành diễn viên tạo dấu ấn độc, lạ trên sân khấu. Chị còn có một gia đình nhỏ hạnh phúc với bạn diễn Thế Sơn. Ngoài việc cùng tung hứng trong các vở kịch, cả hai kết hợp ăn ý trong sáng tác với bút danh chung Trần Khiết. Vở Tình nhân đến với tình nhân do hai vợ chồng viết kịch bản, Lương Duyên đạo diễn mang về cho sân khấu Hoàng Thái Thanh giải Cù nèo vàng 2012. Trần Khiết còn là tác giả nhiều vở kịch thiếu nhi: Chú kiến lạc loài, 1002 đêm...
Năm 2013, khi hai vợ chồng Lương Duyên ấp ủ nhiều dự định cho một vở kịch tâm lý, Thế Sơn đột ngột ra đi do bệnh viêm phổi.
Chồng mất khi con gái còn nhỏ cùng bao dự định cho nghề, Lương Duyên động viên mình phải vui vẻ, lạc quan để sống và nuôi con.
"Tôi chọn cách lao vào công việc, gặp gỡ nhiều người để không còn chút thời gian trống nào cho riêng mình. Khi ở một mình, tôi sợ phải đối diện với sự mất mát, cô đơn", nữ diễn viên chia sẻ.
Nhưng cũng không dễ dàng bởi ngay cả trong công việc, hình ảnh người chồng luôn ẩn hiện. Có những khi diễn kịch ngày trước hai vợ chồng đóng cùng nhau, giờ có người khác thế vai, Lương Duyên không khỏi chạnh lòng. Nữ diễn viên chọn cách "đối diện với thực tại rằng chồng đã mất để tập trung diễn tròn vai trên sân khấu". Chị cũng đưa con về nhà mẹ đẻ để rời xa những kỷ niệm gắn bó với hai vợ chồng trong ngôi nhà cũ.
Bận bịu công việc, Lương Duyên ít có thời gian chăm sóc con gái. Chị chỉ tranh thủ những ngày cuối tuần hay vài giờ nghỉ ngơi hiếm hoi để chơi với con. "Mỗi khi con hỏi cha, tôi chỉ biết giấu nước mắt nói cha đi công tác xa lắm, không biết khi nào về. Qua hơn hai năm cháu cũng dần hiểu chuyện, mỗi khi đi học về, cháu vẫn khoanh tay trước tấm ảnh trên bàn thờ nói 'chào ba, con đi học về' ", nữ diễn viên kể. Ngẫm lại cảnh ba mẹ ly hôn khi mình còn nhỏ, bản thân mất chồng, con gái sớm mồ côi cha, Lương Duyên cười vui vẻ bảo dường như vở kịch Không cần đàn ông vận vào đời mình.
Hiện, chị vẫn đi về lẻ bóng. Mỗi tuần ba tối, Lương Duyên chạy xe máy hơn 10 km từ nhà mẹ đẻ ở quận Gò Vấp qua quận 10 diễn kịch rồi lại chạy về. Một mình lầm lũi trên đường khuya, có lần nữ diễn viên bị cướp ngay trước cửa nhà. Công việc vất vả, đi sớm về khuya đối với Lương Duyên không thành vấn đề bởi không chỉ có tiền nuôi con, chị còn nhận được niềm vui từ khán giả, đồng nghiệp.
Châu Mỹ