Công ty VinSmart thuộc tập đoàn Vingroup là cái tên mới nhất của Việt Nam gia nhập mảng sản xuất điện thoại. Thị trường smartphone trong nước vốn chật chội khi có khoảng 20 thương hiệu nội ngoại, song vẫn là "miếng bánh" hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt 10%.
Mới thành lập được sáu tháng, VinSmart cùng lúc trình làng tới bốn mẫu điện thoại. Sản phẩm không đột phá cả về thiết kế lẫn phần mềm nhưng gây bất ngờ bởi giá bán khi phiên bản rẻ nhất Vsmart Joy 1 chỉ 2,5 triệu đồng. Máy có cấu hình khá trong phân khúc, tầm tiền dễ dàng tiếp cận với khách hàng trẻ, những người lần đầu dùng smartphone.
"Với điện thoại thông minh, chúng tôi sẽ dùng nguyên tắc đi từ phân khúc dưới đi lên. Tức là, Vsmart bắt đầu với mức giá tương đối bình dân, sau đó sẽ cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp dần lên. Giai đoạn đầu, Vsmart được định hướng là sản phẩm tốt - giá tốt - hậu mãi cực tốt", ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, nói.
Các model Vsmart khác cũng có phần cứng ổn so với giá bán, thêm lợi thế với chế độ bảo hành 18 tháng và hệ thống phân phối rộng với hàng nghìn điểm bán hàng, tăng sức cạnh tranh với các thương hiệu đang chiếm lĩnh thị trường smartphone Việt Nam, kể cả những công ty Trung Quốc vốn nổi tiếng về giá rẻ.
Tầm giá từ 2,5 đến 6,6 triệu đồng của VSmart được cho là lấp khoảng trống mà Bphone để lại bởi Bphone 3 có giá 7 triệu đồng và bản Pro là 10 triệu đồng. So với thế hệ đầu tiên ra mắt 2015 (11 triệu đồng) hay Bphone 2017 (9,8 triệu đồng), smartphone thế hệ mới nhất của Bkav đã ngắm đến phân khúc giá thấp hơn.
Mức giá mới của Bphone 3 khiến người dùng dễ tiếp cận hơn, được đánh giá là hợp lý hơn so với cấu hình chứ không tạo cảm giác chênh lệch như hai model trước. Ngoài sức hút từ chính sản phẩm, đặc biệt là thiết kế "tràn đáy" mới mẻ, lễ công bố Bphone 3 năm nay tiếp tục ồn ào bởi các tuyên bố "đầu tiên trên thế giới".
Ra mắt ngày 10/10, đã có 10.000 chiếc Bphone 3 được tiêu thụ sau một tháng mở bán, bằng doanh số Bphone 2 trong cả năm. Bkav cho biết kết quả này vượt mong đợi của công ty, nhất là khi bản Pro giá 10 triệu đồng có sức mua ngang ngửa bản tiêu chuẩn. Bkav sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, nâng số cửa hàng bán sản phẩm từ 300 hiện nay lên 400 điểm.
Không ồn ào như Bkav, chưa tạo được sức hút bằng VinSmart nhưng Mobiistar là thương hiệu điện thoại Việt có những bước đi vững chắc, kể từ khi được thành lập năm 2009. Năm nay, công ty tiếp tục theo đuổi phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung. Model mới nhất Mobiistar X có giá 4,6 triệu đồng, thiết kế màn hình "tai thỏ" và camera kép đặt dọc giống iPhone X.
Chiến lược sản phẩm giá tốt từng đưa Mobiistar lọt top thương hiệu điện thoại hàng đầu Việt Nam năm 2016 với 5,8% thị phần, theo thống kê của GfK. Trước sức ép của các nhà sản xuất lớn trên thế giới, thị phần smartphone của công ty giảm còn gần 3% và đang có dấu hiệu đi ngang, song vẫn là điện thoại thương hiệu Việt có thị phần lớn nhất tính đến quý I/2018.
Trái với một số công ty điện thoại Việt cùng thời gần như rơi vào quên lãng, Mobiistar "sống khỏe", thậm chí bắt đầu từ tháng 5/2018, họ còn đem sản phẩm của mình ra thị trường Ấn Độ. Mức giá rẻ tiếp tục được công ty áp dụng với các mẫu smartphone giá 4.999-7.999 Rupee (khoảng 1,7-2,7 triệu đồng) tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới
Thương hiệu điện thoại Việt khác là Asanzo cũng tiếp cận khách hàng trong nước bằng điện thoại giá rẻ. Mới gia nhập năm 2017, định hướng ngay từ đầu của công ty là smartphone giá dưới 5 triệu đồng, tiếp cận khách hàng ở nông thôn. Chiến lược này tương đồng với thành công của Asanzo trong ngành hàng TV.
S3 Plus là chiếc điện thoại mới đáng chú ý nhất của Asanzo năm 2018, được đưa ra thị trường với mức 2,6 triệu đồng. Ngoài ra còn có dòng S2, S3 hay S5 với giá bán từ 2 đến 4 triệu đồng. Thông qua khoản đầu tư 200 tỷ đồng, công ty tham vọng tung ra thị trường 600.000-700.000 sản phẩm.
Trong khi Bkav tuyên bố làm chủ việc sản xuất smartphone, VinSmart xây nhà máy quy mô lớn thì Asanzo lắp ráp với công suất 700 máy mỗi ngày và chủ động về nguồn cung. Sản phẩm của cả ba công ty này đều gắn mác "Made in Vietnam". Riêng Mobiistar đặt gia công smartphone thông qua đối tác Trung Quốc.
Theo Nikkei, Việt Nam có khoảng 40 triệu điện thoại đang được sử dụng và chỉ riêng năm 2017 đã có 15 triệu máy được bán ra. Samsung, hãng sản xuất smartphone số một thế giới, chiếm 46,5% thị phần trong nước, ở vị trí thứ hai là Oppo với 19,4% và Apple xếp sau với 9,2%. Bốn thương hiệu smartphone Việt đang chia sẻ "miếng bánh" rất nhỏ còn lại.
Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc (Tech Awards) là chương trình bình chọn của chuyên trang Số Hóa, báo điện tử VnExpress, dành cho các sản phẩm công nghệ được giới thiệu và bán chính hãng tại thị trường Việt Nam. Chương trình được tổ chức thường niên từ năm 2012. Hạng mục Điện thoại Việt có ba sản phẩm tranh tài: Asanzo S3 Plus, Bphone 3, Mobiistar X. Riêng các smartphone của VinSmart không góp mặt do phát hành ngày 14/12, sau khi Tech Awards 2018 bắt đầu bình chọn (từ 20/11). |