N92, điện thoại truyền hình của Nokia. Ảnh: Reuters. |
Một Giám đốc điều hành 53 tuổi của một công ty đầu tư của Nhật đã sắm cho mình một chiếc điện thoại có khả năng xem truyền hình để cập nhật thông tin kinh tế, xem bóng đá trong dịp World Cup vừa rồi mỗi khi đi công tác hay gật gù với bạn bè trong quán rượu. Tuy nhiên, ông phải sắm thêm một điện thoại dự phòng, vì mỗi khi xem xong một trận bóng là điện thoại truyền hình hết sạch pin.
*Xem bóng đá với i-Mobile |
*Đón World Cup bằng điện thoại truyền hình |
*Nhật Bản khởi động điện thoại truyền hình |
*Xem TV trên di động sẽ được chuộng |
Không giống như TV analog cho thiết bị di động, dịch vụ mới của các hãng truyền thông cung cấp chất lượng hình ảnh tốt hơn, đặc biệt khi người dùng di chuyển như trên xe buýt hay tàu điện ngầm. Đương nhiên, màn hình vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với cái vô tuyến nhà bạn và thời gian xem truyền hình càng lâu thì pin càng hết nhanh. Trung bình chỉ khoảng 3 giờ xem liên tục là đã hết pin rồi.
Các nhà phân tích dự đoán rằng sự phát triển của điện thoại truyền hình sẽ mạnh mẽ hơn trong vài năm tới. Các thiết bị như hệ thống định hướng trên xe hơi hay máy chơi game hai màn hình của Nintendo sẽ hỗ trợ thêm cho thiết bị này.
Dịch vụ điện thoại truyền hình đã hình thành nhưng lợi nhuận chưa cao. Ảnh: Economist. |
Gartner dự cho rằng đến năm 2009, dịch vụ truyền hình và video cho điện thoại sẽ được cung cấp bởi ít nhất là 10% các nhà cung cấp dịch vụ không dây. Nhật Bản và Hàn Quốc đang hy vọng họ sẽ là những người tiên phong.
Tại Tokyo, thủ đô của Nhật, và các thành phố lớn khác, những dịch vụ truyền hình số như trên đã trở thành phổ biến, điện thoại TV cũng không còn xa lạ trên các chuyến tàu điện. Hiện tại, các chương trình truyền hình cũng giống như trên TV và có nghĩa là người dùng chưa phải trả tiền cho dịch vụ này. Các nhà phân tích cho biết, điện thoại truyền hình đã bán được từ 600.000 tới một triệu máy, thế nhưng thị trường này vẫn nhỏ, quảng cáo trên đó vấn chưa thể sinh lời.
Người ta đang lập kế hoạch cho dịch vụ thương mại điện tử trên truyền hình, theo đó, người xem sẽ có thể xem rồi mua hàng ngay từ điện thoại. Nếu việc này thành công thì ngay cả xem quảng cáo xong rồi cũng có thể mua hàng luôn được. Nhưng phải đến năm 2008, ngành kinh doanh này mới thu được lợi nhuận. Lúc đó, chỉ tính riêng Nhật, sẽ có tới 10,8 triệu điện thoại bắt sóng truyền hình. Thị trường này sẽ thu lợi khoảng 79 triệu USD. Hai năm sau, con số trên sẽ tăng lên 24,8 triệu và đạt 438 triệu USD.
Trung bình, khoảng 92 triệu người dùng điện thoại di động ở Nhật cứ 18 tháng đến 2 năm lại nâng cấp điện thoại một lần. Hiện tại, cư dân ở đất nước mặt trời mọc đã quen với email, lướt nét hay mua hàng bằng cái alô của mình.
Thanh Vân (theo Reuters)