Điện thoại không chỉ để nghe nhạc, chụp ảnh mà giờ còn kết nối Internet. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đầu tháng 10 năm ngoái, nhà cung cấp mạng di động S-Fone (095) ra mắt một loạt dịch vụ giá trị gia tăng lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam trên nền công nghệ CDMA 2000 1x EV-DO, như xem phim, truyền hình, nghe nhạc trực tiếp trên điện thoại di động và Mobile Internet. Mobile Internet là dịch vụ cung cấp tiện ích kết nối Internet cho máy tính và laptop thông qua điện thoại di động có hòa mạng S-Fone.
Các bài liên quan |
*Hiểm họa từ Internet và Bluetooth |
*Việt Nam đạt 10 triệu thuê bao điện thoại mới |
*Lướt web trên laptop qua Bluetooth |
Tương tự như Wi-Fi, Mobile Internet cho phép khách hàng truy cập mạng tại bất cứ đâu trong vùng phủ sóng của dịch vụ với tốc độ truy cập nhanh đến 2.17 Mb/giây, so với tốc độ của dịch vụ ADSL là 2.0 Mb/giây. Các loại máy điện thoại di động do S-Fone cung cấp nếu có dây cáp tương thích và driver thích hợp đều có thể kết nối với máy tính và laptop để truy cập Internet.
Tiếp đó, Trung tâm viễn thông di động điện lực EVN Telecom (mạng di động 096) đưa vào sử dụng dịch vụ EV-DO cho máy điện thoại di động trên toàn quốc. Dịch vụ này cho phép khách hàng được sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng, hỗ trợ download tốc độ cao, các thuê bao của EVN Telecom có thể truy cập Internet với tốc độ lên tới 2.457 Mb/giây (tương đương tốc độ truy cập Internet của dịch vụ ADSL). Bên cạnh đó, EVN Telecom cũng cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho điện thoại cố định không dây (E-Com) và kết nối Internet trực tiếp trên máy điện thoại hoặc thông qua máy tính cá nhân.
Tiếp tục cuộc đua, tháng 4/2007, S-Fone đưa tiện ích truy cập Internet cho điện thoại di động lên một cấp cao hơn là có thể truy cập mạng bất cứ nơi nào, miễn là ở đó có sóng điện thoại. Theo phương thức này, các thiết bị như USB hay PCMCA nhỏ đóng vai trò như một modem, khi cắm vào máy tính xách tay hay máy tính để bàn, bạn có thể kết nối Internet tốc độ đạt tới 2,4 Mb/giây, tương đương với đường truyền ADSL tại gia đình. Tất nhiên, khách hàng phải trả phí cho nhà cung cấp mạng.
Dế nào cũng lướt được net?
Với mạng GSM, Internet được hiểu theo GPRS. Ảnh: Hoàng Hà. |
Câu trả lời là rất nhiều dòng điện thoại trên thị trường hiện nay đều có thể kết nối Wi-Fi hay đơn giản là truy cập được GPRS (dịch vụ vô tuyến gói tổng hợp - General Packet Radio Service). Tất cả từ Motorola, Nokia, Samsung đến các dòng điện thoại của Thái Lan, Hong Kong... có tích hợp chức năng GPRS đều có thể lướt net. Khi cài đặt dịch vụ này, người dùng điện thoại sẽ truy cập mạng với tốc độ rất chậm (tốc độ đường truyền khoảng 56 - 150 Kb/giây), chỉ có thể dùng để kiểm tra mail.
Thông thường, theo phương thức đó, người dùng phải sử dụng một máy tính xách tay hoặc một thiết bị như Palm, PDA, Pocket PC và một máy điện thoại di động có GPRS để truy cập Internet (web, wap) xem tin tức mọi lúc mọi nơi trong phạm vi phủ sóng GPRS của nhà cung cấp mạng. GPRS cho phép cung cấp dịch vụ nhắn tin đa phương tiện (MMS) và dịch vụ truyền ảnh động. Bạn sẽ phải trả một mức phí tùy theo dung lượng tải về cho nhà cung cấp mạng (Vinaphone, MobiFone, Viettel Mobile).
Trong khi các nhà cung cấp mạng hệ CDMA (S-Fone, EVN) đang đưa tiện ích truy cập Internet ngày càng gần hơn với khách hàng thì đối với nhà cung cấp mạng GSM tại Việt Nam hiện nay, Internet chỉ được hiểu theo... GPRS. Một yêu cầu khác cho dịch vụ này là người dùng phải phụ thuộc vào vùng phủ sóng dịch vụ (chứ không phải là phủ sóng điện thoại di động) do nhà cung cấp mạng thực hiện. Hiểu đơn giản, không phải chỗ nào có sóng điện thoại thì đều có thể sử dụng Internet.
Truy cập Internet qua điện thoại với tốc độ cao thực ra là một bước tiến mới về dịch vụ tại thị trường trong nước nhưng vấn đề lại nằm ở chi phí phải trả hiện nay khá cao. Nếu tính ra, đăng ký sử dụng truy cập Internet qua điện thoại cũng mất vài trăm nghìn đồng một tháng, ngang với dịch vụ Internet ADSL tại gia đình.
(Theo Tuổi Trẻ)