Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, thị trường smartphone tân trang năm 2021 đã tăng 15% so với năm 2020. Trong khi con số này với thị trường smartphone mới xuất xưởng là 4,5%.
"Do giá smartphone cao cấp mới vẫn ở mức cao, nhiều người tiêu dùng đã cân nhắc mua máy tân trang của các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Samsung", báo cáo nêu. Apple cũng là thương hiệu được chuộng nhất tại thị trường này.
Điện thoại tân trang là sản phẩm đã qua sử dụng, được thay thế các bộ phận hư hỏng, sau đó được kiểm tra chất lượng và bán với giá rẻ hơn hàng mới, có kèm thời gian bảo hành.
Theo nhà phân tích Glen Cardoza, có nhiều nguồn cung cấp điện thoại tân trang cho thị trường, trong đó phổ biến nhất là từ chiến dịch "thu cũ đổi mới". Trong năm 2021, lượng điện thoại được nhập vào từ các chương trình dạng này tăng trưởng 10%.
Báo cáo của Counterpoint cũng cho thấy châu Mỹ La-tinh, Ấn Độ là hai thị trường điện thoại tân trang tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng 29% và 25%. Theo nhà phân tích Jeff Fieldhack, điều này là nhờ mức giá rẻ, giúp người mua có thể sở hữu các mẫu máy với giá trung bình thấp hơn 60% so với hàng mới.
Trong khi tại châu Âu và Mỹ, mức tăng trưởng của điện thoại tân trang lần lượt là 10% và 15%. Nguyên nhân là doanh số điện thoại mới tăng, kéo theo nhu cầu nhập lại máy cũ. Đồng thời, chính phủ tại nhiều nước khuyến khích người dân tái sử dụng điện thoại nhằm giảm rác thải điện tử.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến người dùng mua smartphone tân trang được các nhà phân tích nhắc đến gồm nhận thức của người dùng về môi trường, nhu cầu mua máy tăng cao trong bối cảnh phải làm việc kết hợp giữa nhà và công ty, khủng hoảng chip khiến việc mua máy mới gặp khó khăn.
Một khảo sát của dịch vụ mua bán điện thoại cũ SellCell trên 10 nghìn người dùng tại Mỹ cho thấy 33% người được hỏi có ý định mua điện thoại tân trang. Trong số 20 mẫu điện thoại cũ được mua bán tại thị trường này, 60% là iPhone, trong đó model phổ biến nhất là iPhone XR và iPhone 11.
Lưu Quý