Một số cửa hàng trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8), Hùng Vương (quận 5), Lạc Long Quân (quận Tân Bình)... trưng bày một số mẫu điện thoại với mặt sau là cụm camera bốn ống kính và cạnh viền vuông vắn, gồm ba màu trắng bạc, vàng và xanh đen. Chủ các cửa hàng gọi chúng là iPhone 12 Pro Max nhái, xuất xứ từ Đài Loan, Hong Kong và Singapore, trong khi sản phẩm của Apple còn chưa ra mắt.
Thiết bị này có nhiều chi tiết tương đồng với thông tin rò rỉ về smartphone sắp ra mắt của Apple: cạnh máy vuông thay vì bo tròn, mặt sau làm bằng kính, cụm camera bốn ống kính với đèn flash ở giữa và đặt ở góc trái, đuôi máy có cổng Lightning và loa ngoài, cạnh phải có phím nguồn, cạnh trái là phím tăng/giảm âm lượng, cần gạt chế độ bình thường/im lặng và khe sim. Máy cũng có màn hình "tai thỏ", thậm chí theo lời quảng cáo, có thể quét nhận dạng khuôn mặt Face ID.
Tuy nhiên, phần viền màn hình, đặc biệt là phần "cằm" của điện thoại rất dày, khung bằng nhôm thay vì thép không gỉ. Mặt sau là nhựa giả kính. Ngoại hình smartphone nhái không hoàn thiện, cầm khá khó chịu.
Tính năng Face ID được quảng cáo thực chất là quét khuôn mặt 2D thông thường, dễ bị "qua mặt" bằng một bức ảnh. Máy chạy hệ điều hành Android, "núp bóng" giao diện iOS. Khi nhấp vào biểu tượng App Store và nhấp vào từng ứng dụng, giao diện cửa hàng vẫn tương tự của Apple, nhưng khi nhấn nút tải về, máy yêu cầu đăng nhập cửa hàng Google Play.
Khi bật camera, chỉ có một camera duy nhất hoạt động thay vì bốn camera như quảng cáo. Độ phân giải camera cũng chỉ 5 megapixel. Ảnh chụp có màu sắc nhợt nhạt, bệt và độ phân giải thấp.
Về cấu hình, phần giao diện cài đặt giới thiệu iPhone 12 Pro Max "super fake" có màn hình 6,7 inch AMOLED, chạy iOS 13, chip Apple A14, RAM 6 GB, bộ nhớ 512 GB. Tuy nhiên, bằng phần mềm kiểm tra, máy chỉ dùng tấm nền LCD, chip MediaTek, RAM 1 - 2 GB, bộ nhớ 8 - 16 GB...
Những mẫu này được bán với giá từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng tùy cấu hình.
Một chủ cửa hàng bán điện thoại xách tay, trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) cho hay, nhiều người vẫn còn mua hàng nhái nên mặt hàng này vẫn có đất phát triển. "Khách thừa biết mình đang mua đồ nhái, nhưng vẫn muốn trải nghiệm. Chúng tôi cũng không che giấu thông tin, mà kể cả muốn giấu cũng không được, ai cũng biết", người này cho biết.
Một người từng kinh doanh smartphone nhái tại quận 3 khẳng định những smartphone loại này được đặt hàng từ Trung Quốc, vận chuyển về Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch. Chúng có giá rất rẻ, thậm chí bằng 1/3 giá bán, do được sản xuất bằng linh kiện chất lượng kém và không qua bất kỳ khâu kiểm thử nào.
Nguyễn Long, một kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại tại TP HCM cho rằng, người dùng không nên mua các loại điện thoại này vì dễ bị dị ứng do chất liệu sản phẩm kém, ngoài ra còn dễ dính mã độc cài sẵn hệ thống đánh cắp dữ liệu cá nhân. Nghiêm trọng hơn, hàng nhái rất dễ xảy ra cháy nổ trong quá trình sạc vì dùng pin kém chất lượng.
Bảo Lâm