Ngày 27/9, ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đơn vị đang lên kế hoạch tu bổ, phục hồi điện Thoại Thánh, nơi thờ mẹ vua Gia Long với tổng kinh phí 73,1 tỷ đồng. Dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến triển khai trong 4 năm.
"Điện Thoại Thánh đã bị đổ sập nhiều năm, chỉ còn nền móng, cỏ dại mọc um tùm. Để khôi phục, đơn vị đã lên kế hoạch cụ thể, tra cứu các hình ảnh tư liệu", ông Tuấn nói.
Theo kế hoạch, điện Thoại Thánh sẽ được phục hồi phần nền móng bằng gạch vồ, chân tảng cột đá thanh, chống ẩm và chống mối nền. Nền lát gạch Bát Tràng tráng men, bậc cấp lát đá thanh và phục hồi rồng bậc cấp. Tường xây gạch vồ, trát vữa tam hợp, bã màu truyền thống.
Bộ khung tiền điện 5 gian 2 chái, chính điện 3 gian 2 chái kẹp, hệ kết cấu gỗ mái, hệ liên ba, vách ván, dầm trần, sàn, các cửa... sẽ được phục hồi. Các cấu kiện gỗ được chạm khắc hoa, sơn bảo quản, chống mối, sơn son thếp vàng và sơn quang. Mái lợp ngói âm dương tráng men màu vàng. Bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ. Các con giống bờ nóc, bờ quyết, máng xối bằng đồng.
Trước đó, lăng Thoại Thánh, nơi chôn cất Hiếu Khang hoàng hậu được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế bố trí hơn 39 tỷ đồng trùng tu hệ thống la thành, bình phong, hồ cảnh quan; xây dựng lại tường thành bao bọc khu vực tẩm điện.
Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn (1736-1811) là mẹ vua Gia Long. Bà là hoàng thái hậu đầu tiên của triều Nguyễn, có vai trò quan trọng trong việc động viên vua Gia Long gây dựng nên triều Nguyễn.
Sau khi bà mất, vua Gia Long cho xây dựng dựng lăng Thoại Thánh cùng điện Thoại Thánh vào năm 1811, nằm trong khuôn viên quần thể Thiên Thọ lăng nơi vua an nghỉ ở làng Định Môn, xã Hương Thọ, TP Huế.
Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tu bổ nhiều hạng mục trong quần thể lăng vua Gia Long như điện Minh Thành, điện Gia Thành và hồ cảnh quan. Từ tháng 1/2023, sau khi trùng tu một số hạng mục, tăng quy mô và giá trị của di tích, vé tham quan quần thể Thiên Thọ lăng tăng từ 50.000 lên 150.000 đồng.
Võ Thạnh