Phó giáo sư - đại tá Lê Trung Hải, chủ nhiệm khoa Ngoại Bụng, Viện 103, đồng thời sẽ là trưởng nhóm lấy gan của phía Việt Nam cho biết, tham gia ca phẫu thuật đầu tiên sẽ có nhiều kíp mổ, như kíp lấy gan, rửa gan, cắt bỏ gan bệnh lý, ghép gan, kíp vi phẫu, gây mê, điều trị sau mổ... Ngoài các giáo sư bác sĩ của Nhật Bản thực hiện mổ chính, tổng số bác sĩ Việt Nam phụ mổ sẽ lên đến 12-15 người.
Ông Hải cũng cho biết khả năng thành công của ca mổ đầu tiên là rất lớn bởi thực hiện trên trẻ em. Do gan của cháu Diệp còn bé nên bố cháu chỉ cần cho một phần gan nhỏ, vừa thuận lợi cho kỹ thuật mổ, vừa đảm bảo độ an toàn cao. Đa số các nước cũng bắt đầu với việc mổ trên trẻ em như vậy, rồi sau mới chuyển sang ghép gan cho người lớn.
Trong khi đó, giáo sư Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội ghép gan Học viện Quân y, thông báo những công đoạn chuẩn bị cuối cùng gần như đã hoàn tất. Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài việc gửi các chuyên gia phụ mổ (trong đó có Viện trưởng Nguyễn Thanh Liêm), còn đưa các trang thiết bị sang hỗ trợ.
Cho đến lúc này, 70 loại thuốc cần thiết đã sẵn sàng ở trong kho của Học viện Quân y, 20 loại nữa đang trên đường từ Nhật Bản tới. Đoàn giáo sư Nhật Bản cũng sẽ mang thêm một máy Cusa (thiết bị hiện đại cắt gan bằng siêu âm, vừa có thêm chức năng hút sạch, vừa cầm máu), cùng với 1 máy sẵn có ở Viện để chuẩn bị cho ca mổ.
Theo giáo sư Lê Thế Trung, tất cả các phương tiện cho ca phẫu thuật, từ trang thiết bị, quần áo đến băng gạc... đều là mới tinh, đảm bảo điều kiện vô trùng. Cũng nhằm mục đích này, từ ngày 15/1, toàn bộ khu vực ghép gan sẽ được tẩy uế và khử trùng cho đến tận ngày mổ (31/1). Trong thời gian đó, các bác sĩ sẽ thực hiện cấy khuẩn 6 lần (2 ngày một lần) để kiểm tra khả năng còn sót lại của những loại vi khuẩn có hại, sao cho không khí và cả nước dùng trong khu vực đều an toàn tuyệt đối. Ngày mai, các chuyên gia cũng sẽ lắp thêm máy lọc không khí cho khu vực phòng mổ và sau mổ, để đến ngày 16/1, mọi công việc phải hoàn tất.
Từ nay cho đến khi lên bàn ghép gan, cả hai cặp trẻ em (cặp cháu Diệp và cặp cháu Long dự trữ) sẽ được bồi dưỡng sức khỏe, khám và hội chẩn thường xuyên. Các cháu cũng sẽ ăn Tết tại Viện Quân y 103, đề phòng khả năng mắc các chứng bệnh khác khi về quê.
Ca mổ sẽ được truyền hình y học trực tiếp đến 3 nơi (thay vì 2 như trước đây). Đó là hội trường của Học viện Quân y, cách khu mổ 800 mét dành cho báo chí; hội trường cách 200 mét dành cho các cán bộ chuyên môn muốn tham quan, và truyền hình ngay ngoài phòng mổ cho các chuyên gia.
Bích Hạnh