Ngày 26/12, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã diễn tập cảnh báo sóng thần trực tuyến.
Tình huống giả định là trận động đất 9 độ richter có độ sâu tâm chấn tiêu 23,2km, xảy ra tại khu vực biển sâu Manila, Philipines lúc 8h30 (giờ Việt Nam) ngày 26/12.
Trung tâm Cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWC) và Trung tâm cảnh báo sóng thần Tây Thái Bình Dương đã phát cảnh báo với toàn khu vực Biển Đông, trong đó các địa phương ven biển Việt Nam.
Nhận định vùng ảnh hưởng lớn nhất sẽ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, Viện Vật lý địa cầu dự đoán độ cao sóng trên 5m, thời gian sóng thần tấn công kéo dài từ 10h30 đến 12h30
Bản tin cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu được phát đồng thời trên website và qua số điện thoại di động của một nhà mạng lúc 9h12. Hơn chục phút sau, tất cả 51 trạm trực canh cảnh báo thiên tai ven biển Đà Nẵng và Quảng Nam phát tín hiệu màu tím, còi hụ và bản tin qua hệ thống loa.
Trước khi phát tin cảnh báo và các trạm canh bằng âm thanh, đèn tín hiệu, cơ quan chức năng đã nêu rõ "đây là bản tin diễn tập" để người dân không bị hoảng loạn, xáo trộn cuộc sống.
9h41, bản tin thứ hai được phát, yêu cầu người dân sơ tán sâu vào đất liền hoặc lên các vùng đất cao. Tàu thuyền nhận tin báo phải ra khơi đến khi nhận thông báo an toàn.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết nhiều trận động đất sóng thần đã xảy ra trên thế giới, gây hậu quả nặng nề. Gần đây nhất là hai trận sóng thần tại Indonesia làm hàng nghìn người chết và mất tích.
Việt Nam chưa ghi nhận xảy ra sóng thần, nhưng vẫn có nguy cơ cao do đứt gãy rạ khu vực máng biển sâu Manila Philippines. Sóng thần nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến 13 tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cho rằng vấn đề cảnh báo sóng thần ở Việt Nam đã trở nên cần thiết và cấp bách, ông Hoài đề nghị các đơn vị và hai địa phương vừa tham gia diễn tập phải rút kinh nghiệm vì việc phát tín hiệu vẫn còn chậm.
Theo ông Hoài, về lâu dài, các trạm phát tín hiệu cảnh báo thiên tai và hệ thống phát thanh sẽ chuyển sang cảnh báo bão, lũ lụt để thường xuyên hoạt động, đảm bảo tính đa mục tiêu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao, Giai đoạn một thực hiện thí điểm tại hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Đến nay 51 trạm (Đà Nẵng 30 trạm, Quảng Nam 21 trạm) đã được xây dựng, bao gồm các thiết bị như hệ thống loa phát xa tối đa 1 đến 2km; đèn cảnh báo 5 màu (theo 5 cấp độ rủi ro thiên tai).