Hàng của các hãng Sharp, Hitachi, Philips, Panasonic tăng 5-7%... Ngoài ra, hàng sản xuất trong nước của các hãng Sanyo, LG... cũng sẽ tăng 2-3% từ giữa tháng 7.
Trên thực tế, giá của nhiều mặt hàng điện lạnh, đồ gia dụng nhập khẩu và lắp ráp trong nước được bán trên thị trường đã tăng từ cách đây gần hai tháng, trong khi sức mua chững lại.
Tại siêu thị Điện máy Việt Long trên phố Giảng Võ, giá của không ít mặt hàng đã tăng từ 5-7% từ hơn một tháng nay. Một chiếc máy giặt Sanyo F100 AT lắp ráp tại Việt Nam, với khối lượng giặt 7 kg, giá đã tăng từ 3,79 triệu lên 3,99 triệu đồng. Hàng nhập khẩu từ Thái Lan như tủ lạnh Hitachi dung tích 220 lít giá cũng đã tăng từ 5,7 triệu đồng lên 5,95 triệu đồng.
Cũng vậy, tủ lạnh Panasonic dung tích 184 lít bán tại quầy của Công ty Kiều Tiến trên phố Giảng Võ, có giá 5,2 triệu đồng, nhích thêm 200.000 đồng từ tháng trước. Vậy nhưng, các chủ hàng đều nói rằng trong tháng tới, khách sẽ còn phải chạy theo mức giá cao hơn thế, ít nhất 5%.
Tủ lạnh lại tiếp tục tăng giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Còn tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim (phố Tràng Thi), đến đầu giờ chiều ngày 27/6, không ít khách hàng kém may mắn khi hỏi mua máy điều hòa Reteech vì sản phẩm vừa nhảy lên mức giá mới, tăng thêm gần 300.000 đồng mỗi chiếc vào lúc trưa. Chiếc đắt nhất từ mức 6,7 triệu lên 6,95 triệu đồng.
Bước sang tháng 7, hết đợt khuyến mại, nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh tại siêu thị trở lại mức giá cũ hoặc sẽ được tăng giá trung bình 5%, khiến mỗi chiếc tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt "phình to" ra ít nhất từ 300.000-500.000 đồng.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng này được đại diện các hãng và các công ty nhập khẩu-phân phối điện máy, điện lạnh ở Hà Nội cho biết là do biến động tỷ giá USD. Giá đôla tăng, số tiền thanh toán cho mỗi lô hàng nhập khẩu ít nhất cũng phải nhích lên đến vài trăm USD. Các doanh nghiệp buộc phải kéo giá bán lên để đảm bảo doanh thu, giảm bớt rủi ro trong lúc tỷ giá luôn biến động mặc dù thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng điện lạnh đã được giảm từ năm 2006.
Anh Nguyễn Xuân Châu, phụ trách kinh doanh của công ty LG Việt Nam cũng cho hay sẽ có đợt điều chỉnh giá bán điều hòa trong tháng tới, với mức tăng ít nhất 5%. Doanh nghiệp cần USD để nhập hàng nhưng thường phải mua với giá cao, nên nhiều đơn hàng nhập khẩu không thu được lãi.
Một đại diện của hãng Panasonic Việt Nam tại Hà Nội cho hay, công ty chưa đưa ra mức tăng cụ thể cho mỗi sản phẩm điều hòa, tủ lạnh. Nhưng ông cũng cho biết, việc tăng giá sẽ xảy ra trong thời gian ngắn tới. Chi phí đầu vào đắt đỏ, tỷ giá đôla biến động, nên hãng buộc phải điều chỉnh giá bán.
Trong khi đó, giá mặt hàng điện tử điện lạnh của Electrolux nhìn chung ít biến động nhất. Bác Phú, chủ đại lý Electrolux trên phố Giảng Võ, thuộc Công ty điện lạnh Nhiệt đới cho biết, tủ lạnh, máy giặt của Electrolux hầu như ít phải điều chỉnh tăng giá, nhưng thường được chào bán với giá cao hơn các hãng khác.
Công ty cũng phát triển thêm dịch vụ mua hàng trả góp kết hợp với ngân hàng Techcombank, tuy vậy, giá cao, nên sức mua từ một tháng nay cũng bị giảm đến 30%.
Cô Thúy kinh doanh điện tử, điện lạnh của hãng Electrolux trên phố Nguyễn Lương Bằng cho biết, thời điểm đầu mùa hè, cửa hàng của cô đông khách hơn, còn giữa tháng 5 vừa rồi, lượng khách giảm đi nhiều, dù hàng của hãng Electrolux vẫn đứng giá.
Nhiều siêu thị, cửa hàng phát triển thêm các dịch vụ hậu mãi, miễn phí lắp đặt tại nhà, giao hàng tận nơi, cùng với các chương trình rút thăm trúng thưởng nhưng khách hàng dường như vẫn kém "mặn mà".
Thanh Phương